Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

15:54, 12/04/2017

Sáng 12-4, Hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của công ước quốc tế, pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự - chính trị và luật tiếp công dân đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức theo Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 27-12-2016 của UBND thành phố Hà Nội về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2017, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; báo cáo viên pháp luật của thành phố, quận, huyện, thị xã; cán bộ, công chức Sở Tư pháp và phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật của các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.

 

Theo TS. Lê Thị Hoa - giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia - các quyền dân sự - chính trị so với quyền văn hóa - xã hội có sự khác biệt, nhưng chỉ mang tính chất tương đối, là những quyền gắn bó mật thiết với tự do cá nhân và quyết định tới việc liệu các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống (quyền được sống, tự do đi lại, bầu cử...) có được đáp ứng hay không.

 

Thực trạng phổ biến hiện nay là nhiều công dân không hiểu rõ về quyền của chính mình, dẫn tới việc không thể nhận thức và mất đi lợi ích chính đáng, không thể tự bảo vệ bản thân và yêu cầu được bảo vệ trong những trường hợp cần thiết. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần nâng cao chất lượng, năng lực và có những biện pháp để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

 

Về công tác tiếp công dân, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân. Công tác này cũng thu được những kết quả nhất định. Hàng năm, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã tiếp và hướng dẫn hàng chục ngàn lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp.

 

Tuy nhiên, công tác tiếp công dân trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần nhanh chóng khắc phục như: Chưa đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân; thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa kịp thời, đầy đủ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mực...