Ngày 21/4, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng: Hiện nay, ngành Du lịch nước ta đang đứng trước cơ hội to lớn nhưng cũng gặp không ít thách thức, trong đó có hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến. Năm 2016, ngành Du lịch đã tiến hành chiến dịch rà soát nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú trong cả nước. Chiến dịch này đã đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam. Trong năm 2017, ngành Du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm là chiến dịch tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch góp phần nâng cao hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trên toàn quốc, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm đón khách du lịch; các doanh nghiệp đón khách ở các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Mặt khác, ngành sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong kinh doanh lữ hành, hoạt động hướng dẫn viên nhằm tạo chuyển biến căn bản, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, ý thức tuân thủ pháp luật trong kinh doanh lữ hành. Dự kiến từ ngày 24 – 27/4, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương cùng vào cuộc chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải sử dụng hướng dẫn viên du lịch quốc tế là người Việt Nam đã được ngành Du lịch công nhận và cấp phép hoạt động. Các doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Du lịch, địa phương cần báo về Tổng cục Du lịch để thu hồi giấy phép kinh doanh; thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch. Đối với các trường hợp doanh nghiệp sử dụng người nước ngoài để hướng dẫn du khách, làm hướng dẫn viên trái phép, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 6 - 12 tháng theo quy định...
Tổng cục Du lịch đã xây dựng đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá điểm đến” nhằm đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch Việt Nam, qua đó tăng cường công tác quản lý và khuyến khích đầu tư nâng cấp chất lượng tại các điểm đến.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch gồm hai chương với 12 điều. Bộ quy tắc quy định những điều cần làm, không nên làm khi tham gia du lịch, được cụ thể hóa đến nhiều đối tượng: người Việt Nam du lịch trong nước, ngoài nước; khách nước ngoài tới Việt Nam; các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, điểm mua sắm, tham quan du lịch, cộng đồng dân cư... Việc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ góp phần tích cực nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ nghiên cứu, đưa việc thực hiện văn minh du lịch thành một tiêu chí bình xét danh hiệu, giải thưởng cho các doanh nghiệp du lịch./.