Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với công nhân khu vực miền Trung

08:30, 23/04/2017

Ngày 22-4, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (TP Đà Nẵng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân lao động (CNLĐ) các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sự kiện này được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Chiến thắng (30-4), Ngày Quốc tế lao động (1-5) và Tháng Công nhân. Cuộc đối thoại được tổ chức để Thủ tướng trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tâm huyết của CNLĐ; kiến nghị, đề xuất của người lao động (NLĐ), các doanh nghiệp (DN) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế, nhằm cải thiện môi trường làm việc cho NLĐ, giúp DN thuận lợi hơn trong hoạt động, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là cuộc đối thoại thứ hai của Thủ tướng với CNLĐ, sau cuộc gặp gỡ, đối thoại với NLĐ tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam dịp 30-4-2016.

 

Phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hôm nay, chúng ta cùng trao đổi một vấn đề rất quan trọng là công nhân đồng hành với DN, tăng năng suất lao động; công đoàn thực hiện quyền lợi, bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ. Giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục có những chính sách đúng đắn, hiệu quả phát triển mạnh các loại hình DN để tạo động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế,... Quá trình này đòi hỏi chú trọng phát huy vai trò tổ chức công đoàn để đóng góp tích cực xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Thủ tướng đề nghị các DN quan tâm hơn nữa đến người lao động bằng giải pháp việc làm, chăm lo bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, nhất là hỗ trợ nhà ở và lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân. Thủ tướng đã lắng nghe và trao đổi, trả lời trực tiếp chín vấn đề chính được người lao động đặt ra, liên quan các vấn đề như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; chế độ bảo hiểm, chính sách dành cho NLĐ; an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân; chính sách lao động nữ; các thiết chế công đoàn,…

 

Trả lời câu hỏi về vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, Thủ tướng cho biết, trong số 2,7 triệu NLĐ của 344 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước thì hơn 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở, nhưng chỉ 5 đến 10% nhu cầu nêu trên được đáp ứng. Do đó, khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Đề án xây dựng các thiết chế công đoàn, Thủ tướng Chính phủ lập tức xem xét, phê duyệt. Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân, kêu gọi cộng đồng DN quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”. Trả lời câu hỏi về việc nhiều DN chỉ sử dụng lao động trẻ và “né tránh” lao động lớn tuổi, NLĐ ngoài 30 tuổi (lương và đóng bảo hiểm xã hội cao) sẽ bị sa thải, Thủ tướng khẳng định đã biết rõ tình trạng này. Chính phủ luôn tiếp thu để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ DN thực hiện đúng luật lao động đã quy định, có biện pháp xử lý nếu vi phạm. Dù ở độ tuổi nào thì Nhà nước, thể chế pháp luật đều luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, NLĐ cũng cần tự mình rèn luyện, nâng cao tay nghề để không thua kém tay nghề trẻ.

 

* Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 20 ngôi nhà “Mái ấm công đoàn”, trị giá một tỷ đồng cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; TP Đà Nẵng tặng 10 nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá 500 triệu đồng. Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết với tám Tập đoàn, Tổng công ty hỗ trợ về phúc lợi, cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá ưu đãi cho CNLĐ. Tổng Công ty Mobifone trao 40 tỷ đồng cho Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm phục vụ công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Hãng hàng không Jetstar Pacific cam kết xây dựng chính sách hỗ trợ thủ tục đi máy bay cho NLĐ, bán vé rẻ mỗi ngày, đồng thời ưu tiên giảm giá ít nhất 5% giá vé so hạng Y (base fare) cho tất cả đoàn viên công đoàn,...

 

* Tối 22-4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (4-1992 - 4-2017). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư và một số địa phương; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, các chức sắc tôn giáo và đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã nỗ lực, phấn đấu đạt được, tạo tiền đề cho Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

 

Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cần rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án, cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, nhất là trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp xây dựng các đề án liên kết phát triển. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng, xác định danh mục dự án cấp bách để tập trung phát triển như hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước, các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm thị trường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, thủy sản… Triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 5.000 doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án vào khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động công nghệ cao; tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển công nghiệp những thế mạnh của tỉnh, không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan; tập trung phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và thủy sản. Nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát triển mạnh du lịch sinh thái, sông nước và du lịch văn hóa, kết nối các điểm tham quan du lịch biển, ưu đãi đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ hai đến ba triệu lượt khách du lịch.

 

Tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các gia đình có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; quan tâm đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Sóc Trăng cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống khắc phục thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn, có phương án bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân; chú trọng bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp; quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, đất; quản lý tốt việc khai thác cát, sỏi lòng sông, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, có tinh thần liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Không ngừng quan tâm xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng công tác cán bộ, nhất là đào tạo nguồn cán bộ trẻ, có năng lực, cán bộ người dân tộc để có quy hoạch lâu dài cho tỉnh...

 

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà Lâm Thị Nguyệt ở phường 5, TP Sóc Trăng.

 

* Chiều 22-4, nhân chuyến công tác tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát mô hình nuôi tôm của Công ty TNHH Khánh Sủng tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên; mong muốn công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hơn nữa chất lượng và xuất khẩu ra nhiều thị trường. Nhắc lại mục tiêu đặt ra đến năm 2020, cả nước xuất khẩu tôm đạt giá trị 10 tỷ USD, trong đó tỉnh Sóc Trăng cần phấn đấu đóng góp một tỷ USD, Thủ tướng mong muốn, công ty hoạt động hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu và đóng góp vào mục tiêu này. Thủ tướng cũng lưu ý công ty tiếp tục quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

 

* Chiều cùng ngày, tại Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lưu Thị Tư và Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hoài Sương.