Trở lại Tây Nguyên

22:31, 26/04/2017

Có dịp trở lại Tây Nguyên trong những ngày tháng Tư lịch sử, đi trên những con đường trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của Tây Nguyên - một trong sáu vùng kinh tế lớn của cả nước.

Tây Nguyên có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp; 3,35 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó có 2,57 triệu ha rừng, độ che phủ đạt trên 45%. Tây Nguyên hiện là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước, trong đó cà phê có 576,8 nghìn ha; hồ tiêu 53,9 nghìn ha; cao su 258,9 nghìn ha; điều 68,5 nghìn ha; chè 22,4 nghìn ha...

 

Tây Nguyên cũng là địa bàn có tiềm năng về thủy điện, điện mặt trời, điện gió lớn. Theo quy hoạch thủy điện trên bậc thang các sông Sê San, Sêrêpốk và Đồng Nai, tổng công suất thủy điện ở Tây Nguyên lên tới 7 nghìn MW.

Là vùng đất rộng lớn gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.000km2, dân số hơn 5,6 triệu người, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, Tây Nguyên có văn hóa đa dạng, phong phú và đặc trưng. 42 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2017), diện mạo kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân nơi đây đã có sự thay đổi rõ rệt, tạo thế và lực mới trên con đường phát triển.


Điểm chúng tôi dừng chân lâu nhất trong chuyến đến Tây Nguyên là tỉnh Đắk Lắk. Tận mắt ngắm nhìn thành phố Buôn Ma Thuột - nơi được mệnh danh là “Thủ phủ” của Tây Nguyên trước đây, chúng tôi rất thán phục những người đã từng quy hoạch và đặt nền móng cho phát triển đô thị ở thành phố này. Ở đây có mật độ công viên và cây xanh rất lớn, đường giao thông trong nội thị được quy hoạch bài bản, mọi đường trục chính đều ghi được điểm nhấn trong lòng mỗi người qua đây. Có thể kể đến đó là trục đường Lê Duẩn - con đường xanh của thành phố chạy qua khu Biệt Điện nổi tiếng của vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn; đường Nguyễn Tất Thành như một dải lụa, vắt ngang giữa trung tâm thành phố sầm uất; đường Nguyễn Lương Bằng xuyên giữa rừng tếch đang thay lá - một con đường đẹp nối thành phố với sân bay quốc tế; trung tâm thành phố có ngã sáu Ban Mê -  Nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, Tây Nguyên chiến thắng.

 

 

Voi phục vụ du khách trải nghiệm tại Khu du lịch Buôn Đôn.

 

Đến với Đắk Lắk không thể không nói đến du lịch, bởi nơi đây có những nét đặc thù, tạo được sức hút mạnh đối với du khách trong và ngoài nước. Bản Đôn nơi liên quan mật thiết đến “văn hóa voi” với tất cả những hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nức tiếng trước đây. Cùng với đó là nếp thực hành văn hóa của cộng đồng tại chỗ, chủ sở hữu đàn voi, kho tàng văn hóa vật thể liên quan đến voi đã và đang hiện diện sinh động trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng người bản địa. Văn hóa nhà dài của người Ê đê cũng được cẩn trọng giữ gìn. Hiện nay, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng hơn 10 km, đã có những khu du lịch sinh thái được các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng việc sưu tầm, giới thiệu văn hóa đặc trưng của người bản địa, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy nét văn hóa độc đáo vốn có của người dân Tây Nguyên.

 

Nhà dài của người Ê đê.

 

Điều đáng nói là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những nét văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang dần bị mai một. Với riêng Đắk Lắk, khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, thì việc ảnh hưởng đến du lịch là vấn đề không nhỏ bởi các dòng sông, ngọn thác vốn hùng vĩ xưa kia nay trở nên khô cạn, thiếu nước. “Văn hóa nhà dài” của người Êđê cũng lần lượt biến mất, khiến hoạt động du lịch cộng đồng, mà cụ thể là sản phẩm Home stay gặp rất nhiều khó khăn. Đàn voi nhà ở Buôn Đôn ngày càng giảm sút, những vật liên quan đến hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây cũng bị chính chủ nhân của nó không mặn mà nữa. Những “nút thắt” này hiện đang được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước gỡ bỏ với việc thông qua nhiều quyết sách phù hợp, kịp thời. Nhiều chính sách, giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở đây cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức sống và sự lan tỏa dài lâu.

 

Tây Nguyên hôm nay đang ẩn chứa trong mình nhiều thế và lực mới, tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, vững mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, sẽ có nhiều phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.