Hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ

14:16, 26/06/2017

Thời gian qua, hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Công tác tiếp nhận và xử lý đơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với khối lượng ngày càng nhiều do sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế nên vẫn còn một số tồn tại. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, lĩnh vực này đã có sự “chuyển biến”.

* Tăng số lượng đơn xử lý

 

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việc xử lý các loại đơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề “nóng”, lượng đơn tồn đọng nhiều do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thẩm định xử lý đơn phức tạp và chưa có sự phân cấp trong xử lý đơn… Thời gian qua, Cục đã từng bước tiến hành đồng bộ các giải pháp để nâng cao tốc độ xử lý các loại đơn; đồng thời tiếp tục hoàn thành và ban hành Quy định về phân cấp trong xử lý đơn; thực hiện đơn giản hóa thủ tục thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; tăng cường đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong thời gian tới.

 

Theo đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp mới tiếp tục có sự gia tăng trong 5 tháng đầu năm, tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp mới được tiếp nhận hơn 22.300 đơn trong tổng số gần 40.000 đơn được tiếp nhận, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016 gồm 2.056 đơn sáng chế, 145 đơn giải pháp hữu ích, 1.004 đơn kiểu dáng công nghiệp và hơn 19.000 đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia và quốc tế, 3 đơn chỉ dẫn địa lý và 31 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam. Tính đến ngày 31/5, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được hơn 34.500 đơn các loại, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã xử lý được hơn 16.800 đơn tăng 11,6% gồm chấp nhận bảo hộ gần 13.000 đối tượng sở hữu công nghiệp với 911 sáng chế, 72 giải pháp hữu ích, 943 kiểu dáng công nghiệp và hơn 11.000 nhãn hiệu. Đáng chú ý, Cục từ chối bảo hộ gần 4.000 đối tượng sở hữu công nghiệp.

 

Đối với các loại đơn trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tính đến hết tháng 5/2017, Cục đã tiếp nhận 744 đơn và xử lý 266 đơn khiếu nại, đề nghị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực về xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù, Cục Sở hữu trí tuệ không có chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng tham gia và hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước khi cung cấp các ý kiến chuyên môn của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

 

Số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế theo nước xuất xứ, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích theo nước xuất xứ… cùng với việc hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp hiệu quả, hỗ trợ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp… cho thấy sở hữu trí tuệ là một trong các yếu tố quan trọng liên quan đến các chỉ số đánh giá khi triển Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tăng 12 bậc so với năm 2016 vươn lên vị trí 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế trong Báo cáo xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cùng hai trường đại học danh tiếng công bố.

 

* Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

 

Cục trưởng Sở hữu trí tuệ, Đinh Hữu Phí nhấn mạnh việc cần xác định hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phải hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và khai thác sáng chế…

 

Hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với việc bảo hộ và khai thác các chỉ dẫn địa lý ngày càng hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến 31/5, Việt Nam đã bảo hộ 49 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Trong hơn 10 năm qua, số chỉ dẫn địa lý quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đến nay đã có 34 tỉnh, thành phố trên cả nước có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, 11 tỉnh, thành phố có 2 chỉ dẫn địa lý trở lên gồm: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Cạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang và Quảng Nam. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có tới 47% sản phẩm là trái cây, 23% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% là thủy sản, 8% là gạo còn lại là các sản phẩm khác. Ngoài ra, có 5 sản phẩm không phải thực phẩm được bảo hộ là: nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý đã bảo tồn, phát huy và tăng chất lượng, hiệu quả sản phẩm được bảo hộ, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp cũng như sản phẩm.

 

Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, đầu tháng 6 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ký kết hợp tác chỉ dẫn địa lý với Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác trong 3 lĩnh vực gồm: Thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý (thông qua dự án thử nghiệm nhằm lựa chọn một số sản phẩm chỉ dẫn địa lý của mỗi nước để tiến hành đăng ký bảo hộ, cung cấp thông tin về kết quả thẩm định đơn chỉ dẫn địa lý, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại mỗi nước); trao đổi thông tin liên quan đến các chính sách và quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý cũng như trao đổi danh mục chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại mỗi nước; tăng cường nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý thông qua các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về chỉ dẫn địa lý, tổ chức triển lãm chung các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của hai nước.

 

Ông Đinh Hữu Phí cho biết: Thời gian tới, Cục cũng đã đề ra một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ như: Hoàn thiện các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia trong năm 2017; thúc đẩy sâu rộng các hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ trong xã hội, đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, các Bộ, ngành và doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, chương trình để nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động khoa học công nghệ nói chung và hoạt động sở hữu trí tuệ nói riêng./.