Để thống nhất đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành. Thực tế cho thấy, văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng có lĩnh vực chưa đầy đủ, còn có sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
*Một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý
Theo rà soát của Bộ Tài chính, nhiều mặt hàng nhập khẩu phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Chẳng hạn, mặt hàng sữa chua, pho mat phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành của hai bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Hay như các giống cây trồng, gạch, đá, kính phải kiểm tra chất lượng và cấp Giấy chứng nhận hợp quy. Trang thiết bị y tế, thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc... vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa kiểm tra chất lượng. Thậm chí mặt hàng phân bón phải chịu ba loại quản lý, kiểm tra, gồm: giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy.
Bên cạnh đó, có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành. Ví dụ mặt hàng kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật. Thịt và các sản phẩm từ thịt vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặt hàng thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế vừa xin giấy phép nhập khẩu, vừa phải kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế. Nồi hơi vừa phải kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu và kiểm tra chất lượng/an toàn lao động. Đây cũng là mặt hàng chịu cùng một hình thức quản lý, kiểm tra của hai Bộ quản lý chuyên ngành, trong đó, Bộ Công Thương và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng kiểm tra chất lượng, Bộ Công Thương kiểm tra hiệu suất năng lượng.
Việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, tăng biên chế của cơ quan quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà đôi khi còn gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thông quan hàng hóa.
*Phương thức quản lý chưa thống nhất
Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành được Bộ Tài chính chỉ ra là do các bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng, không có mã số HS. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được bãi bỏ.
Các chế độ quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của các bộ, ngành quy định không thống nhất (về thủ tục, cách thức thực hiện), dẫn đến có nhiều loại chứng từ do các bộ quản lý chuyên ngành cấp cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhưng không rõ chứng từ nào là giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện xuất, nhập khẩu, giấy phép tự động, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, công bố sự phù hợp, xác nhận khai báo hóa chất...
*Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/2015/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Theo đó, giao các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp Danh mục hàng hóa phải kiểm tra tại khâu thông quan, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra…
Bộ Tài chính cho biết đã chủ trì rà soát và đề nghị các bộ quản lý chuyên ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành; lấy ý kiến của 9 bộ. Để tránh chồng chéo cùng một mặt hàng phải thực hiện qua nhiều cơ quan kiểm tra, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ rà soát để thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì về lĩnh vực kiểm tra chất lượng; Bộ Y tế chủ trì về lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất về lĩnh vực kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Các bộ chủ trì rà soát và ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, thu hẹp danh mục, chi tiết tên hàng, kèm mã số HS; chuyển mạnh sang hậu kiểm (chỉ kiểm tra tại khâu thông quan đối với hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao). Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra như chế độ doanh nghiệp ưu tiên; tăng cường miễn, giảm kiểm tra đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và với mặt hàng có xuất xứ từ các nước phát triển. Với mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra trước khi thông quan, cần nghiên cứu chỉ áp dụng một hình thức quản lý, kiểm tra.
Theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, trong quý 1/2017, các bộ phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia... Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến nay chưa có bộ nào ban hành Danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương về rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý/kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau; phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) rà soát, sớm ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra. Đồng thời bố trí đủ nguồn lực và phương tiện cần thiết để thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu nơi có nhiều hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, kết nối cơ chế một cửa quốc gia trong công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nhận kết quả kiểm tra tương ứng để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành cần có cơ chế phối hợp hiệu quả, thúc đẩy thủ tục liên thông, sử dụng kết quả kiểm tra của cơ quan liên thông, tránh một thủ tục phải khai báo nhiều lần. Nhìn nhận việc giao cho các bộ chủ trì rà soát chỉ mang tính chất đơn lẻ, lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đề nghị giao một đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành rà soát theo từng mặt hàng, nhóm hàng theo trách nhiệm quản lý tại Luật chất lượng hàng hóa.
Đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, rà soát thống nhất Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan. Các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 19; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích, yêu cầu quản lý của từng loại chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp xác định những loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.