Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, giai đoạn 3 quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ diễn ra ở 23 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh.
Đây là các tỉnh, thành phố cuối cùng ở nước ta thực hiện chuyển đổi mã vùng, cũng là những địa phương có số lượng thuê bao nhiều nhất với số lượng là 3,07 triệu thuê bao, tương đương với 58% tổng số thuê bao cả nước.
Việc chuyển đổi mã vùng giai đoạn 3 bắt đầu diễn ra từ 0 giờ ngày 17/6/2017 đến hết ngày 16/7/2017. Thời gian duy trì âm báo là từ ngày 17/7 đến ngày 31/8/2017. Trước đó, ở giai đoạn 2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chuyển đổi mã vùng của 23 tỉnh, thành phố. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng ở nước ta là một bước nhằm thực hiện quy hoạch kho số viễn thông. Việc chuyển đổi mã vùng này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, là cần thiết, nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kho số viễn thông, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ…
Để việc chuyển đổi diễn ra thuận lợi, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của khách hàng; triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền đến khách hàng bằng nhiều biện pháp như tờ rơi, website, nhắn tin, đưa tin trên hệ thống truyền hình và đặc biệt sử dụng mạng xã hội... Về cước phí sau khi chuyển đổi mã vùng, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần rà soát kỹ trước khi tính cước...
Theo số liệu từ Cục Viễn thông, số thuê bao di động ở nước ta hiện chiếm tới 95% và thuê bao cố định chỉ còn 5%. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới khi thiết bị di động ngày càng tăng trưởng mạnh, kéo theo sự suy giảm của điện thoại cố định./.