Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắc xin cho trẻ, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vắc xin gây động kinh, tự kỷ ở trẻ. Do vậy, nhiều bà mẹ hoang mang, dao động, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Trước tình hình trên, ngày 10/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: nâng cao chất lượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, từ đó nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Tất cả các loại vắc xin đều phải đảm bảo tính an toàn và hiệu lực; đặc biệt phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi vì, tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.
Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ (như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm) và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.
Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể: Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy: Tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.
Tuy nhiên, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn. Cụ thể như: Nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mở rộng; đặc biệt, uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%). Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả đã đạt được, không để dịch bệnh bùng phát lại tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành sự kiện y tế công cộng của Việt Nam. Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, thông tin xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi người dân cần cẩn trọng trước những tin tức, trào lưu trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của cá nhân và gia đình…/.