Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số

16:05, 07/07/2017

Trong bối cảnh sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế kết thúc và ngân sách Nhà nước đang ngày càng thu hẹp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm đảm bảo các chương trình mục tiêu y tế về dân số. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản của thành phố giai đoạn 2016-2020 được công bố tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố tổ chức, ngày 7/7.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong công tác truyền thông, vận động, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ 12.000 cộng tác viên tại các phường, xã và các khu dân cư.

 

Nhân dịp này, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã ký biên bản hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thai Nakorn Patana Việt Nam cung cấp thuốc tránh thai thông qua mạng lưới dân số trên địa bàn với giá cả chấp nhận được, phù hợp với tình hình kinh tế của người dân thành phố. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có nhiều chương trình hợp tác tiếp thị xã hội miễn phí hoặc trợ giá một phần các phương tiện tránh thai cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thuộc diện nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.

 

Hoan nghênh nỗ lực tiên phong xã hội hóa trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Thành Đông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng công tác dân số, nâng cao chất lượng sinh sản ở các huyện vùng sâu, vùng xa, huyện khó khăn. Thành phố không được chủ quan khi khuyến khích mỗi cặp gia đình nên sinh đủ 2 con, tránh gây sự ngộ nhận là được phép sinh con thoải mái, cần hạn chế sinh con thứ 3. Ngoài ra, mặc dù thành phố đã có nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe tiền hôn nhân, chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh… nhưng tỷ lệ nạo phá thai vẫn còn cao, do đó thành phố cần tập trung truyền thông, kéo giảm tỷ lệ này.

 

Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố đang tiềm ẩn những nguy cơ có thể mất cân bằng trong thời gian tới. Năm 2015 chỉ có 2 quận, huyện trên địa bàn mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh nhưng năm 2016 đã tăng lên 5 quận, huyện bị mất cân bằng. Do vậy, nếu không có biện pháp hiệu quả, tình trạng này có thể gia tăng trong thời gian tới.

 

Trước đó, trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tỷ suất sinh hợp lý, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai đạt khoảng 70%, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 106-107 bé trái/100 bé gái. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh hơn 70%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc hơn 60%, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở mức thấp, dưới 7 phần ngàn.../.