Trượt lở đất đá là loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên ở các vùng miền núi nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, cơ sở vật chất và môi trường. Do đó ngày 27/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 351/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Đề án này được thực hiện sẽ làm giảm nguy cơ trượt lở đất đá trong mùa mưa hàng năm.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Đề án cho biết: Đề án do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, trong đó Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì đã thu được một số kết quả nhất định. Cụ thể là tháng 11/2014, bộ sản phẩm điều tra hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50000 khu vực miền núi gồm 10 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An đã được chuyển giao về các địa phương. Các sản phẩm đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và phản hồi tích cực từ các địa phương và đơn vị liên quan trực tiếp sử dụng kết quả Bước 1 của Đề án.
Từ tháng 11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã chuyển giao các sản phẩm là các kết quả Bước 1-2 theo quy trình toàn Đề án đã hoàn thiện vào các năm 2014-2015. Bộ sản phẩm bao gồm: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hòa Bình; Bản đồ vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong đó sản phẩm của Bước 1 là bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá là kết quả thực hiện nhiệm vụ thu thập, tổng hợp tài liệu, số liệu từ các nguồn thông tin khác nhau, trọng tâm là công tác khảo sát thực địa để điều tra hiện trạng trượt lở đất đá và các yếu tố thành phần gây nên hiện tượng trượt lở đất đá. Đây là hạng mục công tác điều tra cơ bản nhất, chiếm nhiều thời gian triển khai nhất nhưng lại có tầm quan trọng cao nhất trong toàn bộ quy trình triển khai của toàn Đề án. Sản phẩm của Bước 2 là bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đánh giá hiện trạng trượt lở đất đá trong các khu vực đã điều tra, phân tích mối liên quan với các yếu tố thành phần nhằm xác định các nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trượt lở đất đá trong khu vực.
Trên cơ sở đó, Đề án xây dựng các mô hình phù hợp để đánh giá, dự báo và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các khu vực đã được điều tra và cho các khu vực có điều kiện tự nhiên-môi trường tương đồng. Bộ bản đồ này được xây dựng ở tỷ lệ 1:50.000, với mức độ chi tiết tới cấp xã. Như vậy, 2 bộ bản đồ sản phẩm đầu tiên của Đề án thể hiện sự cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên toàn bộ diện tích các khu vực đã điều tra, bao gồm cả các khu vực không có dân cư. Bộ sản phẩm Bước 3 sẽ cung cấp các thông tin chi tiết hơn về tần suất, quy mô xảy ra trượt lở đất đá, có bao gồm yếu tố kích hoạt chính là các ngưỡng mưa gây trượt. Bộ sản phẩm của Bước 4 sẽ cung cấp thông tin về các mức độ chịu tổn thương và rủi ro đối với con người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các khu vực tập trung dân cư, kể cả các khu vực sẽ quy hoạch phát triển và bố trí dân cư trong tương lai.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng cho rằng: Nguyên nhân của các hiện tượng trượt lở đất đá là do các hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến sự dịch chuyển của vật liệu đất, đá, mảnh vụn từ trên sườn dốc xuống phía dưới và ra phía ngoài dưới tác động của trọng lực. Các hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ địa hình nào khi mà các điều kiện về vật chất, độ ẩm và độ dốc của sườn cho phép. Trượt lở đất đá có thể được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá… và nội sinh như động đất, hay do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc, tăng khả năng xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, làm yếu đi khả năng giữ đất của rễ cây do các hoạt động phá rừng, nổ mìn, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và các công trình khác. Tai biến này có thể dẫn tới thảm họa lớn cho con người và xã hội.
Ở các vùng đồi, núi nước ta trượt lở đất đá thường xảy ra bất ngờ trong mùa mưa bão, không những gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội và tính mạng người dân, mà còn gây nên sự bất ổn về tinh thần. Các vùng miền núi có đặc điểm địa hình phân cắt, độ dốc lớn, dân cư sống tập trung ở chân đồi, núi, dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng…Hiện tượng trượt lở đất đá luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân, khiến những tổn thất về người và của ngày càng tăng. Chính vì vậy, công tác điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá một cách hệ thống trong khuôn khổ Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” sẽ tiến tới xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về trượt lở đất đá, làm số liệu đầu vào để xây dựng các mô hình dự báo và cảnh báo các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá có thể xảy ra trong các khu vực đã được điều tra và những khu vực có các điều kiện tự nhiên và môi trường tương đồng.
Điều tra hiện trạng của 14 tỉnh và kết quả phân vùng cảnh báo nguy cơ của 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa (12 huyện) và Nghệ An (11 huyện) cho thấy cả 4 tỉnh này đều được đánh giá có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cao. Xét trong phạm vi từng địa phương, các tỉnh có các mức độ nguy cơ khác nhau chiếm tỷ lệ diện tích rất khác nhau. Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao chiếm tỷ lệ diện tích lớn nhất ở tỉnh Yên Bái (chiếm khoảng 18% diện tích); sau đó là các tỉnh Nghệ An (chiếm khoảng 13% diện tích khu vực miền núi của tỉnh), Lào Cai (chiếm khoảng 12% diện tích) và Thanh Hóa (chiếm khoảng 5% diện tích khu vực miền núi của tỉnh).
Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá được thành lập trên cơ sở thực trạng các điều kiện tự nhiên, môi trường còn quan sát được tại năm điều tra, khảo sát và thời điểm bay chụp ảnh viễn thám. Chưa kể đến nhiều sự cố trượt trong quá khứ khó tìm lại được dấu vết, hoặc chưa khôi phục được các thông tin lịch sử. Sau thời gian điều tra, trượt lở đất đá vẫn tiếp tục xảy ra. Việc cập nhật thông tin cho các bản đồ này vẫn được Đề án thực hiện thông qua các hoạt động kiểm tra phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tại các tỉnh địa phương vào các mùa mưa bão, nhưng rất hạn chế. Do vậy, Đề án rất cần sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương các cấp và cộng đồng dân cư địa phương cập nhật thông tin thiên tai. Những người thực hiện Đề án đã và đang đề nghị các địa phương sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian trực tuyến - WebGIS hoặc thư điện tử để cập nhật thông tin thiên tai cho Đề án và cho các địa phương.
Hệ thống các bản đồ phân vùng cảnh báo là kết quả các mô hình dự báo và cảnh báo theo phương pháp SMCE và các mô hình mã nguồn mở khác. Dữ liệu đầu vào là các bản đồ các yếu tố thành phần-nguyên nhân gây trượt tại từng khu vực. Các bản đồ thành phần này thể hiện thực trạng các điều kiện tự nhiên-môi trường tại các năm xây dựng chúng. Do vậy, các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá vẫn có thể thay đổi do sự thay đổi của các yếu tố thành phần. Hiện Đề án chỉ cập nhật thông tin cho các bản đồ phân vùng đối với các khu vực có bổ sung dữ liệu mới cập nhật hơn như hơn như địa mạo, thảm phủ, hiện trạng sử dụng đất, khu vực địa hình bị thay đổi bởi hệ thống đường giao thông mới xây dựng. Việc cập nhật thông tin các bản đồ phân vùng sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống trượt lở đất đá./.