Giải pháp nào cứu nguy cho bầu không khí đô thị?

16:03, 24/07/2017

Không chỉ gánh chịu ô nhiễm từ rác thải, nước thải, tiếng ồn, người dân nhiều nơi tại các đô thị lớn đang phải hứng những trận “bão” bụi, khói xe từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, đường xá đang thi công…  

Ô nhiễm bụi ngưỡng cho phép

 

Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề đáng báo động của thế giới không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển như Anh, Mỹ... Theo thống kê tại Anh, mỗi tuần có tới 1.000 người thiệt mạng; mỗi năm là 55.000 người thiệt mạng do ô nhiễm không khí. Còn tại Việt Nam tình trạng ô nhiễm tại các khu đô thị lớn cũng đang ở mức báo động, gây hại tới sức khỏe con người.

 

Theo Báo cáo Môi trường quốc gia vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố chiều ngày 20/7, hầu hết các đô thị lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm giữa các đô thị rất khác biệt, phụ thuộc vào quy mô đô thị, mật độ dân số, đặc biệt là mật độ giao thông và tốc độ xây dựng. Đối với các khu vực khác nhau trong một đô thị như: các tuyến đường giao thông, khu công trường xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp trong đô thị, khu vực dọc các sông, kênh rạch nội thành, khu vực công viên, hồ nước chất lượng không khí phân hóa khá rõ rệt. Các đô thị nhỏ, các đô thị ở khu vực miền núi, môi trường không khí còn khá trong lành.

 

Trong các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam thì vấn đề ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm nhất. Tỉ lệ số mẫu quan trắc TSP (tổng hàm lượng bụi lơ lửng) vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) của các chương trình quan trắc quốc gia luôn lớn hơn 80% số mẫu quan trắc trong năm. Các chất khí ô nhiễm SO2, CO về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn của QCVN, riêng khí O3, NO2 đã có dấu hiệu ô nhiễm trong một số năm gần đây.

 

Bộ TN&MT cũng cho biết, hiện nay, tại các đô thị vẫn tồn tại nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, tại các khu vực này nồng độ TSP vượt quá giới hạn của QCVN từ 1,5 đến 2 lần.

 

Tại các khu công trường xây dựng (xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, sửa chữa hệ thống thoát nước,…) diễn ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao. Nguyên nhân chính là do việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) không nghiêm và hoạt động giám sát thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.

 

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ô nhiễm nghiêm trọng

 

Báo cáo Môi trường quốc gia cũng chỉ ra, tại Hà Nội trong mấy năm gần đây, việc kéo dài thời gian thi công tuyến đường sắt trên cao Yên Nghĩa – Hà Đông, hay việc nâng cấp trục đường quốc lộ 1A đoạn từ Ngọc Hồi đến Quán Gánh khiến các trục đường này quanh năm bụi bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tham gia giao thông và cuộc sống người dân hai bên đường.

 

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được.

 

Còn tại, Tp. Hồ Chí Minh  trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc), đoạn đường dài khoảng 3,5km được thi công gần như hoàn tất. Dù đường đã được đưa vào sử dụng nhưng người dân lưu thông qua đây rất khổ sở bởi bụi bay mù mịt, đá lởm chởm trên mặt đường. Nhà cửa của dân hai bên đường luôn phải đóng. Tại các ngã ba Nguyễn Thúc Đường, Hoàng Văn Hợp giao với đường Kinh Dương Vương, đá nằm ngổn ngang, nước đọng và xuất hiện nhiều ổ gà, xe máy lưu thông dễ té ngã.

 

Như vậy có thể thấy, chất lượng không khí tại 2 đô thị lớn của cả nước ngày càng suy giảm do chứa nhiều lượng khí thải tại các nhà máy, công trình xây dựng đang trở thành mỗi nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng.

 

Phát biểu tại Hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề ở nước ta hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, có tới hơn 50% số ngày trong năm là có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.

 

Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng, cần thiết phải có những nghiên cứu và xây dựng chính sách phù hợp, nhằm hạn chế những tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu tác hại ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Trong đó, có việc khẩn trương nghiên cứu để ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với những quy định chi tiết để khắc phục những bất cập nêu trên. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên, mà trước tiên là trách nhiệm quản lý nhà nước.

 

GS Phạm Ngọc Hồ, Viện trưởng Viện tự động hóa và Môi trường cho rằng, đối với các công trình xây dựng nếu chúng ta không có những giải pháp che chắn đúng cách, sẽ phát tán bui ra xung quanh khiến ô nhiễm môi trường không khí càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Đối với các nhà máy cần phải có thanh tra, kiểm tra định kỳ nghiêm ngặt về xả thải để hạn chế ô nhiễm cho các đô thị.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hàng năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê có khoảng 7 triệu người tử vong sớm bởi ô nhiễm không khí. Nguy hiểm hơn, có khoảng 80% cư dân thành thị đang hàng ngày phải tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm vượt quá mức cho phép của WHO. Và ô nhiễm không khí hiện nay được cho là “sát thủ vô hình” đối với sức khỏe người dân toàn thế giới. Do đó, các giải pháp làm sạch không khí cần phải được ý thức từ mỗi cá nhân để bảo vệ hành tinh xanh.

 

Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia môi trường nhấn mạnh, giải pháp ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu mức ô nhiễm không khí trong các đô thị là trồng nhiều cây xanh, bởi cây sẽ hấp thụ các khí thải độc hại như CO2 và cho ra lượng O2 trong lành. Ngoài ra, việc trồng cây xanh lâu năm cũng sẽ mang lại bóng mát trên các con phố, tạo cho cộng đồng một bầu không khí tự nhiên, trong lành./.