Chiều 26/7, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã tổ chức họp thông báo một số kết quả Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 38 về vấn đề ma túy (ASOD 38) diễn ra tại Hà Nội từ 25-27/7/2017.
* Bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy
Đại tá Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Thường trực tội phạm và ma túy, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, Hội nghị đã cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động và sáng kiến hợp tác theo tinh thần Hội nghị ASOD37 tại Thái Lan; rà soát tình hình triển khai các khuyến nghị từ Hội nghị cấp Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề ma túy lần thứ 5 tại Singapore năm 2016; cập nhật tiến độ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống lại tệ nạn ma túy giai đoạn 2016-2025 và đề xuất các ý tưởng dự án hợp tác mới của ASEAN; thông qua Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2017-2019.
Hội nghị ASOD 38 thống nhất ghi nhận hợp tác ASEAN trong phòng, chống ma túy ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực hơn. Lần đầu tiên sau nhiều năm hợp tác phòng, chống ma túy, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận cao khi đưa ta Tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề ma túy tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016 tại New York (Hoa Kỳ). Tuyên bố chung đã khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của ASEAN trển trường quốc tế về vấn đề ma túy toàn cầu, thể hiện thái độ không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy và kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một Cộng đồng ASEAN không ma túy.
Theo định hướng này, ASEAN đã xây dựng và thông qua Kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống lại hiểm họa ma túy cho giai đoạn 2016-2025; duy trì có hiệu quả cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng, Hội nghị quan chức cấp cao về vấn đề ma túy; đồng thời đề ra và triển khai thục hiện nhiều sáng kiến như: Trung tâm thông tin phòng, chóng tội phạm ma túy; các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển. Những sáng kiến này đã trở thành khuôn khổ hợp tác hiệu quả trong việc trao đổi thông tin và đấu tranh ngăn chặn ma túy bất hợp pháp ở khu vực.
*Hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống ma túy
Thái Lan là quốc gia có nhiều sáng kiến quan trọng, thúc đẩy hợp tác trong ASEAN như: Trung tâm Thông tin phòng, chống tội phạm ma túy (ASEAN-NARCO), Tổ công tác kiểm soát ma túy qua đường hàng không (AAITF), Chương trình kiểm soát tiềm chất qua biên giới, Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy ở khu vực Tam giác vàng, giai đoạn 2017-2019. Đề cập về vai trò của Thái Lan trong việc điều phối lồng ghép, gắn kết để triển khai một cách thiết thực và hiệu quả các sáng kiến đó trong thời gian tới, đại diện Đoàn quan chức cấp cao Thái Lan cho biết: Thái Lan đã cam kết với nhiều quốc gia trong và ngoài ASEAN. Ma túy là một vấn nạn, xuất hiện tại bất kỳ quốc gia nào do các tổ chức tội phạm, buôn bán ma túy xuyên biên giới.
Thái Lan đang triển khai các đội đặc nhiệm tại các điểm: Sân bay, bến cảng để ngăn chặn các con đường buôn lậu ma túy thông qua đường biển, đường hàng không, đất liền. Nước này cũng kết hợp với các quốc gia ASEAN xây dựng mạng lưới giám sát các con đường buôn bán ma túy, triển khai các dự án giám sát tại cảng biển.
Trong khu vực sông Mekong, Thái Lan triển khai dự án khu vực Mekong an toàn với mục tiêu từ nay đến năm 2030, Thái Lan kết hợp với các quốc gia khu vực sông Mekong giám sát toàn bộ đường sông, kiểm soát được tiền chất ma túy qua đường sông đi vào khu vực Tam giác vàng và các chất ma túy đi ra từ Tam giác vàng. Thái Lan cũng như các thành viên khác trong khu vực đều đưa ra các sáng kiến nhằm chặn đứng được nguồn ma túy từ khu vực Tam giác vàng, đảm bảo không còn ma túy cung cấp cho thị trường các nước trong khu vực.
Về hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong công tác phòng, chống ma túy, vị đại diện quan chức cấp cao Thái Lan cho rằng, đây là mối quan hệ rất chặt chẽ giữa hai quốc gia. Trong thời gian vừa qua, hai bên đã có những cuộc họp song phương. Để tấn công tội phạm ma túy, hai bên đã có những dự án hợp tác về trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật trong việc xác định các loại chất ma túy, phát hiện các phòng thí nghiệm, xưởng bào chế ma túy. Hai bên đã có những văn bản thỏa thuận hợp tác đảm bảo tất cả các cơ quan của Thái Lan dành ra một khoản ngân sách, tham gia cùng các nước Myanmar, Lào, Việt Nam để ngăn chặn luồng vận chuyển tiền chất đi vào Tam giác vàng và các chất ma túy đi ra từ đây.
* Hợp tác kiểm soát luồng vận chuyển tiền chất vào Tam giác vàng
Cho biết nguyên nhân khu vực Tam giác vàng vẫn đang là một trung tâm sản xuất heroin và aphetamin lớn, đại diện Đoàn quan chức cấp cao Myanmar chia sẻ, Chính phủ Myanmar có những chiến lược và dự án cụ thể để khống chế, kiểm soát việc vận chuyển ma túy từ Tam giác vàng. Địa hình rừng núi của Myanmar rất phức tạp, nhiều điểm tiếp giáp với các quốc gia láng giềng Thái Lan, Lào khiến việc kiểm soát tất cả các tuyến đường vô cùng khó khăn. Vì vậy, để triệt phá hoàn toàn lượng ma túy từ Tam giác vàng đưa ra, Myanmar cần có chương trình cấp quốc gia cũng như nhân lực hỗ trợ từ các quốc gia ASEAN.
Hiện nay, các nước Thái Lan, Lào, Ấn Độ đang hỗ trợ Myanmar một hình thức kiểm soát an ninh chặt chẽ. Chính phủ Myanmar đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan hữu quan ở khu vực trong việc hợp tác, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường ma túy từ Tam giác vàng tuồn ra, hoặc các luồng đưa tiền chất vào khu vực Tam giác vàng./.