Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2017), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Lương Minh, Tổng T hư ký ASEAN về quan hệ Việt Nam - ASEAN và định hướng phát triển của Hiệp hội.
* Phóng viên: 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được những thành tựu tiêu biểu nào, thưa ông?
* Ông Lê Lương Minh: ASEAN thành lập năm 1967. Lúc bấy giờ, mối quan tâm của ASEAN chủ yếu là vấn đề an ninh. Hợp tác về kinh tế thực sự chỉ bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ XX, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN chỉ bắt đầu từ năm 1990 với việc ký kết hiệp định về Khu vực tự do hóa thương mại ASEAN. Đặc biệt, từ năm 2007, với việc thông qua lộ trình thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chưa đến 10 năm, hợp tác kinh tế trong ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thứ nhất, ASEAN đã cơ bản loại bỏ tất cả các dòng thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc khối ASEAN. Chỉ còn một số dòng đặc biệt mà một số nước thành viên mới như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam được duy trì đến năm 2018. Tiếp theo đó, đến năm 2018, cơ bản tất cả các dòng thuế đối với thương mại nội khối sẽ được xóa bỏ. Khu vực dịch vụ đã được tự do hóa. Hội nhập khu vực của ASEAN đã có nhiều tiến triển. Hiện ASEAN là khu vực có nhiều nhất các hiệp định thương mại tự do. ASEAN cũng đã và đang thương lượng hiệp định đối tác kinh tế với nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN đạt tốc độ bình quân của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân. Trong quá trình hội nhập, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chính. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện xu hướng bảo hộ mậu dịch, ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế mở, tạo ra những cơ hội lớn không chỉ cho quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ASEAN mà cả các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong ASEAN?
* Ông Lê Lương Minh: Việt Nam có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP, ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Liên minh Kinh tế Á-Âu, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.
* Phóng viên: Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ASEAN vẫn đang phải đối đầu với không ít thách thức. Theo ông, những thách thức đó là gì ?
* Ông Lê Lương Minh: Mặc dù đã được thành lập cách đây 50 năm, nhưng quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN chưa lâu. Vì vậy, khi ASEAN chính thức công bố sự ra đời của AEC vào năm 2015, chúng ta mới thực hiện được khoảng 95% biện pháp để thực hiện lộ trình. Vẫn còn những biện pháp cần được thực hiện.
Hiện tại, thách thức lớn nhất là khoảng cách phát triển trong từng nước ASEAN vẫn còn lớn. GDP bình quân của nước giàu nhất trong khu vực cao gấp 43 lần nước nghèo nhất. Đây cũng là một thách thức đối với ASEAN trên lộ trình xây dựng phát triển.
Thách thức thứ hai, dù AEC đã cơ bản xóa bỏ tất cả các dòng thuế thương mại hàng hóa, nhưng vẫn còn những rào cản phi thuế quan. Điều này cần loại trừ để trong ASEAN có không gian cho phát triển thương mại.
Thách thức thứ ba là sự hiểu biết của người dân, của các doanh nghiệp ASEAN và các doanh nghiệp đang làm ăn hoặc mong muốn làm ăn với ASEAN còn chưa đồng nhất.
Thứ tư, ASEAN tiếp tục chính sách dựa trên ý nghĩa khu vực mở, tức là ủng hộ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, trong khi trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch. Đặc biệt, xu hướng này lại xuất hiện ở một số nền kinh tế lớn. Điều đó đi ngược lại chính sách của ASEAN.
Tôi cho rằng, thách thức của ASEAN nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần nhận biết để xác định biện pháp hội nhập tốt.
* Phóng viên: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần làm gì để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập ASEAN?
* Ông Lê Lương Minh: Để tận dụng các cơ hội, vượt thách thức, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu được cơ hội là gì, thách thức là gì?
Trong 10 năm qua (từ 2006 đến 2016), tỷ lệ GDP của Việt Nam trong ASEAN đã tăng hai lần, từ chỉ khoảng 3,5% lên hơn 7%. Điều đó cho thấy việc tham gia vào ASEAN đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế. Tỷ lệ thương mại nội khối ASEAN - Việt Nam cũng ở mức hơn 1000%. Đầu tư nội khối của các nước ASEAN vào Việt Nam cũng tăng 120%. Kết nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN cũng chặt chẽ hơn không chỉ về hạ tầng, thể chế, con người… Tất cả những điều này đều tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!