Không có gì là quá, khi nói rằng Dự án 600 Phó Chủ tịch xã như một phép thử về niềm tin đối với thế hệ trẻ. Chưa bao giờ một chính sách mạnh mẽ như vậy được đưa ra thực hiện thí điểm với số lượng rất lớn, gần 600 trí thức trẻ - nhóm tuổi thường chưa được tin tưởng vì “non” kinh nghiệm, thiếu chín chắn, nhất là với những em mới chân ướt, chân ráo ra trường.
Nhưng hãy nhìn vào thạc sỹ Giàng Seo Châu (Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Simacai, Lào Cai), một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, một trí thức trẻ tốt nghiệp đại học năm 2012 đã bước chân ngay vào dự án và làm nên một “làng Hàn Quốc” trên đất Simacai, đưa Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hay một Nguyễn Anh Khoa (Phó Chủ tịch xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã cùng chung tay với các cấp, các ngành giúp người dân thoát khỏi “bệnh lạ”… để suy rộng ra về những nỗ lực của các trí thức trẻ và sự thành hay bại của Dự án.
Bài 4: 5 năm nhìn lại
Hơn 5 năm chăm lo cho Dự án, từ những ngày đầu chuẩn bị cho công tác tuyển chọn, theo bước chân chập chững của gần 600 đội viên cho đến khi các em đã trưởng thành, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch giờ đã có thể bằng lòng. Thành công – đây là điều ông khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.
*148 đội viên chờ biên chế
- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào sau 5 năm thực hiện Dự án. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn vấn đề gì tồn tại cần rút kinh nghiệm?
- Ông Vũ Đăng Minh: Đến thời điểm này Dự án đã thành công. Kiểm điểm lại các mục tiêu mà Chính phủ giao cho, có 3 mục tiêu: Thứ nhất, đã tăng cường lực lượng trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, có tính xung kích, tình nguyện về làm Phó Chủ tịch xã tại 64 huyện nghèo trên cả nước để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Thứ hai, thông qua chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cấp ủy đã theo dõi, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương. Cho đến nay, ngoài những bạn không có mong muốn ở lại tiếp tục làm việc tại địa phương, 560 đội viên đủ điều kiện đã được bố trí làm việc ở địa phương. Đến thời điểm này, 412 đội viên đã được bố trí vào các vị trí công chức từ xã đến huyện, tỉnh, còn lại 148 đội viên. Hiện 11 tỉnh đã hoàn thành bố trí 100% đội viên, 9 tỉnh còn 148 bạn trên địa bàn 26 huyện.
Các tỉnh này đã có phương án bố trí sắp xếp cho các đội viên, nhưng do ở các huyện hết biên chế nên theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 06 ngày 29/4/2016, các tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung biên chế cho 26 huyện, làm cơ sở bố trí cho đội viên. Về cơ bản, 148 người này sẽ có phương án rút lên huyện. Hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thành quy trình, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; dự kiến sẽ trình cùng bổ sung biên chế năm 2018 cho các địa phương.
Mục tiêu thứ ba là thông qua Dự án, thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại những xã, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để rèn luyện, đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo lâu dài cho cơ sở.
Qua Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, chúng tôi rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm. Đầu tiên là để thành công, chúng tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền của 64 huyện nghèo và gần 600 UBND cấp xã tạo điều kiện để trí thức trẻ làm việc.
Thứ hai là nếu triển khai mở rộng, công tác tuyển chọn rất quan trọng, phải tuyển chọn cho sát nhu cầu bố trí sử dụng nguồn nhân lực lâu dài cho các địa phương, chứ không phải xác định đội viên Dự án về 5 năm rồi đi. Tuyển chọn những trí thức trẻ này để gắn bó lâu dài với địa phương, trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương sau này, nên phải tuyển chọn đúng người đúng việc.
Tiếp nữa, phải tiến hành quy hoạch, có hướng bố trí sử dụng ngay từ ban đầu. Chính quyền địa phương phải chủ động trong quy hoạch, bố trí số đội viên này, coi các em là người của địa phương để đào tạo, phân công, giao nhiệm vụ ngay từ đầu và có phương án chuyển ngay sau khi Dự án kết thúc.
- Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về việc có những địa phương bố trí rất tốt như Sơn La, Lào Cai, nhưng có những nơi như Hà Giang, Thanh Hóa, số lượng đội viên được bố trí rất ít, nguyên nhân do đâu?
- Ông Vũ Đăng Minh: Trong thực hiện Dự án vừa rồi, các địa phương làm rất tốt, 11/20 tỉnh bố trí 100% đội viên Dự án tiếp tục làm công tác ở địa phương, chủ động dành biên chế của huyện để bố trí. Nhưng 9 tỉnh còn lúng túng trong việc bố trí, đặc biệt là Hà Giang và Thanh Hóa, do sự chỉ đạo của tỉnh tới huyện chưa đồng nhất. Tôi biết có huyện còn biên chế nhưng chưa bố trí, như Hà Giang còn biên chế nhưng lại giao tuyển dụng chung trong biên chế công chức của tỉnh. Vừa rồi, tỉnh làm văn bản tuyển dụng, quy định các đội viên Dự án tham gia tuyển dụng chung với công chức khác, dù có ưu tiên nhưng tôi thấy chỗ này chưa quyết liệt, chưa rạch ròi.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Chính trị, sau khi kết thúc Dự án ngày 30/6, địa phương nào còn biên chế, ưu tiên bố trí đội viên chuyển tiếp vào các vị trí công tác. Thứ hai, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) “ra 2, vào 1” nếu tuyển vào, sẽ ưu tiên tuyển hết số đội viên này. Nếu hết biên chế, tỉnh làm văn bản báo cáo Bộ Nội vụ để Bộ tổng hợp, báo cáo làm cơ sở bố trí. Phương án chỉ đạo của Trung ương rất mạch lạc, nhưng địa phương còn lúng túng.
Theo số liệu tổng hợp, đến nay còn 148 đội viên chưa được bố trí do hết biên chế. Các tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, xem xét. Sau khi có quyết định của Thủ tướng về phân bổ biên chế, chúng tôi sẽ làm việc với các tỉnh. Trong 9 tỉnh, 7 tỉnh đã thống nhất khá cao, nhưng riêng với Hà Giang và Thanh Hóa, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc, bố trí rõ phương án em nào về đâu, phải rành mạch.
- Phóng viên: Tức là còn 148 cán bộ chưa rõ được bố trí về đâu và sẽ phải thực hiện tiếp theo như thế nào?
- Ông Vũ Đăng Minh: Không, 148 đội viên có phương án bố trí rồi, nhưng phải chờ biên chế vì địa phương hết biên chế, chờ Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung biên chế cho 26 huyện này. Trong số 148 đội viên, Hà Giang có 39, Thanh Hóa có 22.
- Phóng viên: Như vậy, 2 địa phương này không thực hiện đúng theo tinh thần của Bộ Chính trị?
- Ông Vũ Đăng Minh: Tôi đánh giá khách quan là vẫn thực hiện nghiêm túc nhưng không quyết liệt, nghĩa là huyện nào còn biên chế thì yêu cầu huyện đó bố trí hết số đội viên này. Nếu hết biên chế, bố trí sang các huyện khác của tỉnh chứ không nhất thiết phải bố trí ở huyện đó.
Như Sơn La có 5 huyện nghèo, có em công tác tại huyện này nhưng tỉnh chủ động bố trí sang huyện khác. Trong tổng biên chế của địa phương, Sở Nội vụ cùng các huyện phải bàn thảo và quyết định. Ở Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp làm việc với từng huyện, huyện nào còn biên chế thì bố trí hết, hết biên chế sẽ đề nghị bổ sung.
- Phóng viên: Theo ông, tình trạng trên liệu có phải do tính cục bộ địa phương?
- Ông Vũ Đăng Minh: Không phải do tính cục bộ địa phương mà do chỉ đạo của tỉnh và huyện không quyết liệt. Sở Nội vụ tham mưu, Chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt.
Tỉnh nào chỉ đạo quyết liệt thì rất thành công, bố trí sử dụng sớm so với yêu cầu trước ngày 30/6. Còn lại những tỉnh mà Sở Nội vụ tham mưu chưa quyết liệt, huyện và tỉnh đùn đẩy cho nhau. Huyện báo cáo hết biên chế, nhưng qua kiểm tra, vẫn còn biên chế.
* Chưa bố trí công tác, vẫn được trả lương
- Phóng viên: Tức là họ không muốn bố trí các đội viên vào biên chế?
- Ông Vũ Đăng Minh: Có đội viên vừa phản ánh với tôi, xã còn 2 biên chế nhưng đề nghị chuyển đội viên sang công chức xã cũng không rõ. Vẫn còn biên chế cho chức danh Phó Bí thư thường trực để sắp tới bầu làm Chủ tịch UBND xã, nhưng quy hoạch chưa làm quyết liệt. Các em ở Hà Giang nói hiện nay không có lương, nhưng thực tế đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh. Theo lộ trình, Dự án kết thúc vào ngày 30/6 để tiến hành tổng kết. Ban quản lý Dự án cùng Bộ Tài chính tính toán bố trí hơn 30 tỷ đồng trả lương cho các đội viên đến hết tháng 12/2017. Bạn nào vào biên chế địa phương rồi thì hưởng theo suất của địa phương.
148 đội viên hiện nay chưa bố trí được vẫn làm việc trên cương vị Phó Chủ tịch xã và vẫn hưởng lương theo vị trí này. Hết năm 2017, sang năm 2018, các em chưa được bố trí, mới không còn trả lương. Văn kiện Đề án có mà các địa phương không nghiên cứu kỹ nên lúng túng trong thực hiện, vấn đề này do vai trò tham mưu của Sở Nội vụ.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, muộn nhất trong tháng 10/2017 là giao xong biên chế năm 2018. Khi ấy cũng sẽ sắp xếp được cho các em vào biên chế nên không có gì phải lo. Bộ đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng để bổ sung thêm biên chế. Những nội dung này đều dựa vào cơ sở pháp lý theo Thông báo 06 của Bộ Chính trị, đội viên tiếp tục làm Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Về mặt pháp lý đã đảm bảo, nguồn kinh phí cũng đã có, các bạn cứ yên tâm làm việc. Mình cũng phải chia sẻ với địa phương, không phải công tác nhân sự bố trí sắp xếp con người nói là làm ngay được, mà phải theo quy trình và có tính toán. Các địa phương đã bố trí được một số em nhưng chưa hết; còn lại họ đề nghị bổ sung thêm biên chế để bố trí cho các em.
- Phóng viên: Như ông nói, về mặt pháp lý đã rõ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn nhưng trong 5 năm qua vẫn còn một số nơi không bố trí công việc cho các đội viên. Liệu sau khi Dự án kết thúc, các địa phương có bố trí cho các đội viên không?
- Ông Vũ Đăng Minh: Lúc triển khai Dự án có quyết định của Chính phủ quy định số đội viên này thuộc biên chế Nhà nước nhưng không nằm trong biên chế theo Nghị định 92 (quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã – PV), chưa phân về cho xã, cho địa phương mà vẫn là biên chế dự phòng của Trung ương. Kết thúc Dự án, căn cứ vào thực tế của địa phương để phân bổ, nếu địa phương còn thì sắp xếp vào, hết biên chế sẽ bổ sung.
Cơ bản các địa phương rất chủ động, nhưng có câu chuyện ngay ban đầu chúng ta không nói rõ các đội viên sẽ là người của địa phương, nên điều rút ra sau dự án là tới đây muốn thực hiện theo mô hình này, sẽ ban hành văn bản nói rõ Bộ Nội vụ chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, còn địa phương khi có nhu cầu xin biên chế tăng cường thêm Phó Chủ tịch xã trong 5 năm thì phải cam kết bố trí cho họ sau khi hết thời hạn.
- Phóng viên: Tức là lâu nay địa phương vẫn coi các đội viên là người của Dự án, khi Dự án kết thúc, Trung ương sẽ thu về chứ không phải người của họ?
- Ông Vũ Đăng Minh: Nhiều nơi cũng nghĩ như thế, nhưng cũng rất nhiều nơi có mong muốn giữ lại các đội viên và đề nghị bổ sung biên chế để giữ các đội viên cho xã. Trong 560 xã này, hầu hết các xã đều có mong muốn giữ các em làm việc ở xã. Quan điểm của các địa phương là muốn rút các em về các phòng, ban chuyên môn của huyện.
* Không trái với Nghị quyết 39
- Phóng viên: Những tỉnh như Hà Giang, Thanh Hóa bố trí cho một số đội viên và để “hợp lý hóa” số đội viên còn lại, Hà Giang đã có văn bản xin bổ sung 39/67 biên chế, Thanh Hóa xin 22/60 biên chế, nếu được bổ sung như vậy, có xảy ra sự so bì giữa các địa phương?
- Ông Vũ Đăng Minh: Bộ Nội vụ giúp Chính phủ quản lý biên chế của cả nước nên có thể cân đối chung trên tổng biên chế của từng tỉnh theo vị trí việc làm; không phải muốn tăng thêm là được, xin thêm là được. Căn cứ vào tổng biên chế đó, Bộ sẽ rà soát từng trường hợp để cân đối hợp lý, trong đó ưu tiên bố trí cho các đội viên.
- Phóng viên: Điều này có mâu thuẫn với quy định tại Nghị quyết, làm số lượng biên chế ở các địa phương tiếp tục phình ra và phải xử lý như thế nào?
- Ông Vũ Đăng Minh: Bộ Nội vụ căn cứ vào khối lượng công việc, vị trí việc làm để thẩm định, rà soát, bố trí, không phải muốn là bố trí, để phình ra. Hơn nữa việc bổ sung biên chế cũng căn cứ vào nguyên tắc “ra 2 vào 1”, hoặc là chờ các biên chế về hưu, ưu tiên cho bố trí các đội viên. Tinh thần là không trái với Nghị quyết 39.
- Phóng viên: Trước khi tuyển chọn, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể về chuyên ngành đào tạo của trí thức trẻ phải phù hợp vị trí tham gia tuyển chọn, tuy nhiên giải thích của một số địa phương cho việc không bố trí được cho đội viên là vì chuyên ngành đào tạo không phù hợp, ông nhìn nhận sao?
- Ông Vũ Đăng Minh: Không phải chúng ta tuyển không đúng người, đúng việc đâu. Những người phát ngôn như vậy có thể mới được bổ nhiệm hoặc mới vào vị trí công tác này nên chưa nắm được đầy đủ về dự án, mà chưa nắm được nên nhiều khi nói không chính xác.
- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!