Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7 và những nguy cơ tiếp theo do bão gây ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Để khắc phục lâu dài tồn tại trong công tác phòng, chống thiên tai, Chính phủ giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai cho khu vực miền núi, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất gắn với cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu; có những dự án, đề án nghiên cứu thiết thực, khả thi trong ứng phó với thiên tai, bão lũ. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị ứng phó với bão số 7 và mưa lũ sau bão diễn ra sáng 27/8, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng biểu dương các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong công tác chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai thời gian vừa qua. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7 và những nguy cơ tiếp theo do bão gây ra để chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các địa phương, cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho chủ tàu, thuyền viên, các tàu, thuyền tại vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới (đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng).
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng mưa lũ tiếp tục chủ động rà soát lại những khu vực dễ bị tổn thương bởi thiên tai (lũ quét, lũ ống, sạt lở đất...) để chủ động có phương án di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; hỗ trợ, giúp đỡ người dân về lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc, sửa chữa nhà cửa, bệnh viện, trường học, điện, giao thông...nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân sau thiên tai. Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với các sự cố. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp về an toàn hồ đập.
Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tham mưu lập bản đồ về tai biến địa chất nói chung, sạt lở đất nói riêng. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp với các bộm ngành liên quan bố trí lại khu vực dân cư để người dân sống trong khu vực an toàn trước thiên tai; theo dõi chặt chẽ thiên tai, bão lũ, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo sát với thực tế đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành cũng như công tác tuyên truyền của các cơ quan chuyên môn có liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phối hợp với các cơ quan chuyên môn sớm tổ chức hội thảo về tai biến địa chất, xây dựng đề án phát triển hệ thống quan trắc theo phương châm xã hội hoá tại các vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai.
Các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường bố trí kinh phí thực hiện di dân vùng có nguy cơ rủi ro cao về thiên tai, nhất là nguy cơ mất an toàn đối với lũ quét, sạt lở đất; xây dựng hệ thống đo mưa chuyên dùng và hệ thống cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; nguồn dự phòng ngân sách hỗ trợ các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời các địa phương bố trí nguồn lực để thực hiện Quyết định số 1002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt, nhất là khu vực miền núi nơi đồng bào có nhận thức thấp, sinh sống trong vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao...
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, hiện nay, hồ Thủy điện Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy; hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt; hồ Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy. Các đơn vị tư vấn đang tiếp tục theo dõi tình hình lưu lượng nước đến hồ, tổng hợp, tính toán để tham mưu điều tiết, vận hành.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên cả nước đã làm 116 người chết và mất tích, 1.030 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 5.640 tỷ đồng. Trong đó riêng lũ quét, sạt lở đất trong các ngày 3-6/8/2017 tại 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã làm 42 người chết và mất tích, 919 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 1.394 tỷ đồng.
Thiệt hại tại Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc do mưa lũ sau bão số 6 trong các ngày 25-26/8 làm 3 người chết (Thái Nguyên 2 người do lũ cuốn vào ngày 25/8; Yên Bái 1 người bị sét đánh); 2 người mất tích (Hà Giang 1, Lào Cai 1).