Ngày 3/8, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và y tế các bộ, ngành đề nghị tiếp tục chấn chỉnh việc liên doanh, liên kết trang thiết bị, đặt máy tại các cơ sở y tế công lập.
Trong công văn số 4364/BYT-KH-TC ngày 3/8/2017, Bộ Y tế nêu rõ, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa các dịch vụ công nói chung và dịch vụ công trong lĩnh vực y tế nói riêng trong thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện xã hội hóa theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian qua, Bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường quản lý để thực hiện chủ trương này, nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện, chấn chỉnh và khắc phục được một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót để công tác xã hội hóa tại các cơ sở y tế công lập ngày càng hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra trong thời gian vừa qua.
Để tăng cường và phát huy các mặt tích cực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những mặt còn tồn tại trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý y tế các Bộ, ngành, Thủ trưởng các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác xã hội hóa, khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; khắc phục ngay các hạn chế, thiếu sót, vi phạm mà các cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện chỉ ra và phải xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các đề án liên doanh, liên kết đang thực hiện tại đơn vị, trường hợp chưa thực hiện đúng cần khẩn trương khắc phục theo các quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế; đặc biệt là rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư, trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký cần phải thương thảo để điều chỉnh thời gian hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp.
Công văn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn thực hiện; Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Do vậy, các đơn vị có nhu cầu đầu tư phải nghiên cứu kỹ và lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp, có hiệu quả nhất. Trường hợp thực hiện liên doanh, liên kết phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện, đề án phải đầy đủ nội dung theo đúng quy định. Các đơn vị phải công khai hoặc thông báo chủ trương và một số thông tin cơ bản về Đề án liên doanh, liên kết để các đối tác và nhà đầu tư biết, tham gia. “Trường hợp có nhiều đối tác tham gia phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn được đối tác đáp ứng yêu cầu trong việc tổ chức hoạt động dịch vụ và bảo đảm lợi ích cho đơn vị và người bệnh. Các đơn vị phải gửi Đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo dõi, quản lý việc thực hiện”- Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nêu rõ trong công văn.
Bộ Y tế cho hay, về việc đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy: Hình thức này chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu để hướng dẫn khi sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2007/TT-BYT nêu trên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tổ chức đấu thầu mua sắm tài sản, vật tư, hóa chất, test, kit phục vụ hoạt động thường xuyên theo quy định của pháp luật, trường hợp không thực hiện thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Rà soát và không được có quy định hoặc bất kỳ cam kết nào với đơn vị trúng thầu về các điều khoản liên quan đến số lượng dịch vụ phải thực hiện tại đơn vị trong các hợp đồng để tránh lạm dụng sử dụng dịch vụ.
Khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng máy xã hội hóa để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế phải giải thích rõ cho người bệnh hiểu và đồng ý chi trả phần chi phí chênh lệch giữa mức giá dịch vụ kỹ thuật được Cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán và mức giá dịch vụ được quy định theo quy định về xã hội hóa. Trường hợp người bệnh bảo hiểm y tế không đồng ý sử dụng dịch vụ y tế từ máy xã hội hóa trong khi máy móc, thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách bị hỏng hoặc chưa được đầu tư mua sắm thì cơ sở y tế phải chuyển người bệnh tới cơ sở y tế khác theo tuyến chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế./.