Dịch sốt xuất huyết tạm thời được khống chế

14:12, 27/09/2017

Ngày 27/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, dịch sốt xuất huyết tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết như nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng nếu chủ quan trong công tác phòng chống dịch.

* Không chủ quan với dịch

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ: Qua theo dõi tình hình sốt xuất huyết tại một số tỉnh, thành phố cho thấy số ca mắc đã giảm và dịch đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, ngành y tế cũng như các bộ, ngành liên quan không được chủ quan với dịch bệnh, cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng cao là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Đồng thời, mưa nhiều là điều kiện để bọ gậy phát triển nên việc phát hiện sớm ổ dịch và phun hóa chất triệt để cần thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tích cực tuyên truyền để người dân tiếp tục diệt loăng quăng (bọ gậy). Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng quân đội, các bệnh viện trong quân đội đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và điều trị cho nhân dân.

Tình hình sốt xuất huyết năm 2017 diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước do nhiều nguyên nhân. Điển hình như tại thành phố Hà Nội có số ca mắc tăng cao thời gian qua là do sau nhiều năm không có dịch nên hệ thống miễn dịch trong cộng đồng bị suy giảm. Ngoài ra, nguyên nhân còn do biến đổi khí hậu, mưa nhiều, nắng sớm; vấn đề đô thị hóa và những thói quen của người dân trong sinh hoạt hàng ngày như không nằm màn, đặc biệt là các khu lán trại, công trường xây dựng…

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, đặc biệt ở Hà Nội. Khi tình hình dịch bắt đầu gia tăng tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo các vụ, cục liên quan cùng với Thành ủy Hà Nội xây dựng chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết đúng hướng. Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ hoạt động tìm và diệt ổ loăng quăng/bọ gậy toàn thành phố. Nhờ vậy, thời gian gần đây tình hình dịch sốt xuất huyết giảm đã nhiều (có thời điểm, mỗi tuần số ca mắc khoảng 3.000 ca nhưng đến thời điểm hiện tại giảm mạnh số ca mắc mới), đặc biệt không có thêm ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến bất thường và đến sớm. Mọi năm, dịch bắt đầu từ tháng 8, 9 khi có mưa Ngâu nhưng năm nay, dịch đã bắt đầu từ tháng 7. Điều đặc biệt là ngay từ những ngày đầu, dịch đã xuất hiện những ca nhiễm nặng, nhiều địa phương mọi năm không có dịch thì năm nay lại có. Thời kỳ cao điểm, có những ngày Bệnh viện phải tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám. Nhân viên y tế đã phải làm việc hết công suất để phục vụ người bệnh như làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Thậm chí, Bệnh viện đã huy động hội trường, phòng của nhân viên y tế để kê thêm giường điều trị cho bệnh nhân. Nhờ làm tốt công tác phân tuyến và ứng dụng tốt phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế nên thời gian qua đã không có thêm ca tử vong. Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

* Chủ động phòng bệnh

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn dịch bệnh bùng phát và lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Các gia đình nên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.../.