Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện của cả nước là hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động). Tuy nhiên, con số này không bền vững. Cùng với số lượng tăng thêm “ì ạch” qua từng năm, số người đang trong độ tuổi lao động ra khỏi lưới an sinh này cũng không hề nhỏ.
Tính ưu việt của việc tham gia bảo hiểm xã hội cũng như việc bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo an sinh bền vững đã được các chuyên gia, các nhà quản lý nói đến rất nhiều nhưng có vẻ chưa đủ thấm với trên 600.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần, mỗi năm. Mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 nước ta phải đạt được 50% lực lượng lao động tham gia loại hình bảo hiểm xã hội này vẫn còn “xa vời”.
*Trên 600.000 người ra khỏi lưới an sinh xã hội mỗi năm
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, vài năm gần đây xảy ra tình trạng doanh nghiệp thải loại người lao động sau tuổi 35. Năm 2017, tình trạng này diễn ra phổ biến hơn. Số liệu khảo sát qua hệ thống Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 64 doanh nghiệp, khu công nghiệp cho thấy “tuổi thọ” công việc của công nhân ở những nơi này chỉ khoảng 6-7 năm, số lao động trên 35 tuổi trở lên rất ít.
Việc doanh nghiệp có chính sách thải loại người lao động trên 35 tuổi là có thật vì chủ yếu là người làm việc gia công, sức khỏe kém, độ nhanh nhạy không tốt, để ứng dụng khoa học nhằm tăng năng suất lao động là rất khó trong khi đó chi phí về bảo hiểm xã hội về tiền lương cao hơn, ông Quảng cho hay.
Theo ông Quảng, doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận, muốn chuyển người cao tuổi ra khỏi bộ máy để tiếp nhận lao động mới nhanh nhẹn hơn, có kỹ năng hơn vì lao động trên 35 tuổi cập nhập công nghệ mới khó khăn hơn. Điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động và chính sách giải quyết việc làm bền vững. Hầu hết số người này nhận trợ cấp một lần và khó tham gia vào quan hệ lao động xã hội.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn nhận định bản chất của vấn đề là 35 tuổi đã bắt nghỉ để nhận những người 20 – 25 tuổi. Nhiều doanh nghiệp cho người lao động từ 35 tuổi trở lên thôi việc với số lượng lớn, khiến họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn và rất khó tìm được việc làm mới, trong khi trước mắt không có điều kiện để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, dẫn đến lượng người yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Bên cạnh đó, một số trang mạng xã hội gần đây lan truyền thông tin không chính xác về so sánh quyền lợi giữa việc tham gia bảo hiểm thương mại và gửi tiền tiết kiệm với quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội nên có tâm lý bất an về chính sách bảo hiểm xã hội. Một bộ phận người lao động do không nắm được quy định của chính sách bảo hiểm xã hội, băn khoăn, lo lắng về tính ổn định của chính sách do những thay đổi của chính sách bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2018, đã đề nghị cho hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Mất đi người tham gia vào mạng lưới bảo hiểm xã hội là chính sách đang bị thụt lùi, muốn tạo việc làm bền vững, phải bảo vệ thêm cho người lao động, ông Sơn nói.
Con số được Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Điều Bá Được đưa ra là trong khoảng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có trên 600.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần; trong đó có khoảng 100.000 người là quân nhân, công an nhân dân. Năm 2016, đã có 665.306 người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng nghĩa với việc số người lao động này đã ra khỏi lưới an sinh xã hội có nguy cơ không bảo đảm được cuộc sống khi về già. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người lao động mà còn là gánh nặng đối với gia đình, xã hội, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.
*Bảo hiểm xã hội - bảo hiểm phi lợi nhuận
Là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, chính sách bảo hiểm xã hội đảm bảo mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội. Theo đó, người lao động khi làm việc được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội để hưởng đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; người đủ 15 tuổi mà không thuộc trường hợp được người sử dụng đóng bảo hiểm xã hội thì được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Chính sách này hoàn toàn khác với loại hình bảo hiểm nhân thọ.
Phân tích về mục đích của hai loại hình này, ông Phạm Lương Sơn cho rằng sự khác biệt lớn nhất ở chỗ bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời. Khoản lời của bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia. Điểm đáng lưu ý là thù lao cho đại lý của bảo hiểm nhân thọ là rất lớn (từ 20 đến 25% trong năm đầu và giảm dần trong các năm về sau nhưng không dưới 5%).
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Đối với bảo hiểm nhân thọ, mặc dù nhìn thoáng qua các gói quyền lợi thấy có vẻ hấp dẫn nhưng họ đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.
Về quyền lợi, theo ông Sơn, tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay). Còn bảo hiểm nhân thọ, tính theo lãi suất thị trường. Người đang tham gia bảo hiểm xã hội khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đều được ghi nhận để tính hưởng bảo hiểm xã hội nhưng với bảo hiểm nhân thọ, trong một số trường hợp, doanh nghiệp không phải trả tiền bảo hiểm.
Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm xã hội, khi đã hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Thực tế, gần như hàng năm, Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.
Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu, người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh... Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đối với bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, trong trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bảo hiểm phá sản, người tham gia có thể mất hết quyền lợi.
“Người tham gia bảo hiểm xã hội khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là cứu cánh cho người lao động khi về già, khi mà không còn khả năng để lao động tạo thu nhập. Đây là ưu điểm vượt trội của bảo hiểm xã hội so với bảo hiểm nhân thọ”, ông Sơn cho hay.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng bảo hiểm xã hội là một kiểu tiết kiệm an toàn. Bảo hiểm cho người lao động cũng là bảo hiểm cho chính doanh nghiệp vì người lao động có sức khỏe thì mới cống hiến được cho doanh nghiệp. Tiền gửi tiết kiệm chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, ngân hàng vẫn có thể phá sản, đầu tư vào đó có thể mất trắng, tiền gốc giá trị sau này giảm nhiều. Còn bảo hiểm xã hội có tính an toàn cao hơn, Quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, tiền đóng vào quỹ được bảo toàn giá trị và tăng trưởng.
*Nhận bảo hiểm xã hội một lần là rất thiệt
Cảnh báo người lao động thận trọng cân nhắc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần, so với hưởng lương hưu, nhận bảo hiểm xã hội một lần là rất thiệt, ông Phạm Lương Sơn phân tích: với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, một năm, tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thiệt thòi là không tính hết được.
Nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần hiểu rằng, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng), ông Sơn khẳng định./.