Sáng 15/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (gọi tắt là SMEMM 24) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các bộ trưởng, trưởng đoàn của các thành viên APEC. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong nhận được sự hợp tác của APEC trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC 2017 diễn ra từ ngày 10-15/9 tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, chủ đề này là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề Năm quốc gia APEC 2017 và thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số.
Nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng cho biết, trong APEC, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp và tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo.
Đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo sự thay đổi lớn trên toàn thế giới, nhưng cũng khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ bị tổn thương, Thủ tướng cho rằng cần hỗ trợ khối doanh nghiệp này.
“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D,... đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới. Trong xu thế đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đói tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy nhanh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng nêu lên những thành tựu kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới, trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và nhấn mạnh đến vai trò, sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là động lực chủ yếu tạo việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội, vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo, làm giàu.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trong nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và “bao trùm” theo hướng tạo thuận lợi, bình đẳng, tin cậy; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi sáng tạo, thành công và đóng góp nhiều cho xã hội.
Từ thực tiễn Việt Nam, Thủ tướng mong muốn nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, “tránh” nộp thuế,... của một số nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng đề nghị các chuyên gia cấp làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường kết nối với các tập đoàn công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên APEC phối hợp thực hiện các giải pháp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Cùng với đó là đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Đánh giá đây là Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC, Thủ tướng tin tưởng Hội nghị sẽ thông qua Sáng kiến chung của Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 về thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và Chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh bền vững và sáng tạo, để báo cáo lên Hội nghị các Nhà lãnh đạo cấp cao APEC 2017, nhằm đưa “con tàu APEC” tới tương lai tươi sáng, thịnh vượng cho mọi người dân./.