Từ 1/1/2018, theo cách tính lương hưu mới của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, lao động nữ sẽ bị giảm đột ngột 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm so với cách tính hiện nay.
Một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm những ngày gần đây là từ 1/1/2018, theo cách tính lương hưu mới của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, sẽ có hàng triệu lao động nữ sẽ bị giảm 10% lương hưu so với cách tính hiện nay.
Bên hành lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, những ngày qua nhiều ý kiến cho rằng theo cách tính lương hưu mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ 1/1/2018 lao động nữ khi chỉ sau 1 đêm ngủ dậy đã mất 10% lương hưu là quá đột ngột và thiệt thòi. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Lương hưu của phụ nữ được xác định từ Luật BHXH năm 2006. Theo đó cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác lao động nam được cộng thêm 2% cho đến đạt tối đa 75%. Nữ thì được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%. Lúc đó mục tiêu nhằm đảm bảo công bằng và ưu tiên cho phụ nữ để cho phụ nữ có mức lương cao hơn.
Đến Luật BHXH năm 2014 thì chính sách BHXH đi theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp cho nên đã điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu cho cả nam và nữ. Theo đó, nam giới kéo thêm lộ trình để làm sao không phải là 30 năm thì được hưởng 75% lương hưu, mà phải giảm dần, để khi đóng đủ 35 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu. Như vậy là với nam có lộ trình 5 năm.
Cùng với đó, luật BHXH 2014 cũng đã giảm mức lương của nữ giới nhưng không có lộ trình. Cụ thể, từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, thay vì trước đây được cộng thêm 3% với mỗi năm đóng BHXH, thì bây giờ giảm xuống chỉ còn 2%. Do đó, đúng là với lao động nữ, có đủ 25 năm đóng BHXH, đủ điều kiện nghỉ hưu và bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018 thì bị giảm đi 10% tổng số tiền lương hưu.
PV: Thưa ông mục tiêu của việc thay đổi cách tính lương hưu với phụ nữ là gì?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Mục tiêu trước hết là để quay về trật tự đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, công bằng với nam giới. Thứ hai là để đảm bảo khuyến khích phụ nữ đóng thêm thời gian tham gia BHXH để cho đạt được mức tối đa là 75%. Có nghĩa là thay vì 25 năm được hưởng 75% thì nay phụ nữ phải làm việc 30 năm thì mới được hưởng 75%.
Ở đây, về mặt nguyên tắc là hoàn toàn đúng, về mặt nguyên lý không có gì sai nhưng có sự khập khiễng. Nếu người phụ nữ về hưu ngày 31/12/2017, có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng tối đa 75% mức lương hưu. Nhưng cũng người đó, nếu về hưu vào ngày 1/1/2018 thì chỉ được hưởng tối đa 65% mức lương hưu.
Việc này được điều chỉnh bằng cách, với tỉ lệ 75% và 65%, tức là chúng ta đã điều chỉnh mức lương hưu căn cứ mức đóng tiền lương bình quân của 25 năm. Và trong nhiều năm vừa qua chúng ta đã nâng mức tiền lương tối thiểu lên; thứ nữa là đã nâng mức làm căn cứ đóng BHXH bằng tổng thu nhập chứ không phải bằng tiền lương cơ bản.
Do đó, dù tỉ lệ có giảm đi về mặt nguyên lý nhưng số tuyệt đối tăng lên thì độ suy giảm của 75% không lớn. Tuy nhiên xét về điều kiện chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ (đêm 31/12 của năm trước và ngày 1/1 của năm sau), mà phụ nữ bị giảm 10% thì rõ ràng chúng ta thấy là có điều gì đó bất lợi cho phụ nữ.
PV: Vậy ông có đề xuất gì không?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Quan điểm của cá nhân tôi đã nói rất nhiều lần. Đó là đề nghị các cơ quan có liên quan, Chính phủ nghiên cứu để chúng ta thực hiện lộ trình giống như nam giới. Nam giới quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm, để giảm sốc từ từ, đừng “phanh” bất ngờ dẫn đến phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt. Nhưng đến giờ tôi chưa thấy cơ quan nào đề nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất. Nếu Chính phủ có đề xuất tôi nghĩ UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết hoặc có lộ trình để kéo dài.
PV: Chỉ còn vài tháng nữa quy định này sẽ có hiệu lực mà giờ vẫn chưa có đề xuất thì theo ông có kịp điều chỉnh không?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu đề xuất, ở đây một là Bộ LĐ-TB&XH, hai là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải đề xuất. Nhưng muốn đề xuất phải đánh giá tác động của chính sách, phải nghiên cứu đánh giá, tổng hợp xem là bao nhiêu người chịu tác động. Nếu số người chịu tác động nhiều thì phải điều chỉnh chính sách; còn nếu số người chịu tác động không nhiều, chịu tác động không lớn thì ta cũng phải chấp nhận một cơ chế để đảm bảo công bằng về tiền lương của nam và nữ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.