Năm 2017 được chọn là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), một quyết định cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ gỡ bỏ những rào cản đang kìm hãm sự phát triển của các DN hiện nay. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, ngoài quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, còn cần sự đồng lòng, vào cuộc một cách thực chất, rốt ráo hơn từ phía các bộ, ngành, cơ quan quản lý. Từ đó, mới mong xóa bỏ những chi phí bất hợp lý, mở đường cho DN Việt Nam, nhất là khối DN tư nhân, tiến xa hơn trong tiến trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế.
Chi phí đè nặng doanh nghiệp
Cơ chế, chính sách thuận lợi và thông thoáng cùng mức chi phí thấp trong kinh doanh là những yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của mỗi DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, DN đang bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện kinh doanh phức tạp, không cần thiết và những thủ tục hành chính rườm rà, gián tiếp hình thành nhiều chi phí bất hợp lý. Áp lực từ những rào cản này đang là nỗi ám ảnh, ăn mòn nguồn lực cũng như làm giảm sút khả năng cạnh tranh của DN trước làn sóng hội nhập.
Chi phí lớn từ những “giấy phép con”
Để hoàn thiện thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, một DN thuộc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam phải bỏ ra khoảng thời gian sáu tháng. DN này chính thức nộp đơn từ ngày 13-1, sau năm lần rút về chỉnh sửa và bổ sung hồ sơ, đến ngày 10-7, sản phẩm mới được cấp xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP. Mỗi lần gặp cán bộ quản lý, DN lại được yêu cầu chỉnh sửa một nội dung, trong khi nếu được tư vấn đầy đủ hơn, DN có thể hoàn thiện ngay trong một lần. Điều đáng nói, trong giấy xác nhận lại ghi rất rõ, DN phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố. Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Ủy ban Thực phẩm và Đồ uống của AmCham bức xúc: Sau nửa năm trời vất vả chỉnh sửa hồ sơ theo yêu cầu, chúng tôi vẫn phải tự chịu trách nhiệm về ATTP của sản phẩm. Vậy ý nghĩa của thủ tục này là gì? Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc này như thế nào?
Theo phân tích của Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP, DN phải tự lấy mẫu xét nghiệm, sau đó nộp hồ sơ để cơ quan quản lý xét duyệt. Quy trình này rõ ràng không thể bảo đảm ATTP vì trước hết, việc xét duyệt hoàn toàn trên giấy, Cục ATTP (Bộ Y tế) không hề kiểm tra cơ sở sản xuất cũng như thực tế sản phẩm; thứ hai, DN có thể tùy ý chọn mẫu xét nghiệm, mẫu đạt đem đi nộp, mẫu không đạt bỏ đi, không ai kiểm soát quá trình này. Điều nguy hại hơn là quy trình xét duyệt quá lâu, khiến DN tốn nhiều chi phí và thời gian. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho thấy, trong năm 2015, Cục ATTP đã cấp khoảng 35 nghìn giấy xác nhận ATTP và con số này có thể lên tới 45 nghìn giấy phép trong năm nay. Bình quân, để xin được giấy xác nhận ATTP, mỗi DN tốn khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thông thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng; thời gian trung bình bốn tháng. Theo tính toán của CIEM, chỉ riêng với loại giấy phép ATTP này, mỗi năm đã lấy đi của DN khoảng 5,4 triệu ngày làm việc và chi phí hàng nghìn tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, thống kê của VCCI, với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, đang chứa khoảng 5.700 điều kiện kinh doanh hay còn gọi là “giấy phép con”. Ít nhất một nửa trong số đó được các chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng DN đánh giá là chưa hợp lý, không cần thiết, đang tồn tại như những rào cản kìm hãm hoạt động của DN. Có thể kể đến một số “giấy phép con” như Thông tư 49/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định DN dệt may khi sản xuất hoặc gia công xuất khẩu quân trang, quân phục cho nước ngoài phải xác định đơn vị/cơ quan/tổ chức sử dụng cuối cùng sản phẩm này; Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu, “chủ DN phải có bằng cấp từ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in (sau khóa học ba tháng)”;... Đây là những quy định mà DN không thể đáp ứng hoặc nếu thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, còn có nhiều thủ tục hành chính bất hợp lý khác trong các lĩnh vực như hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội cũng đang làm hao mòn “sức khỏe” DN. Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ: Để hoàn thành thủ tục thông quan và kiểm dịch đối với mặt hàng điều thô nhập khẩu, hàng trăm công-ten-nơ của các DN sản xuất điều của Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên,... sau khi về cảng tại TP Hồ Chí Minh sẽ phải vận chuyển trở lại địa phương làm thủ tục thông quan, sau đó chuyển lại TP Hồ Chí Minh để kiểm dịch thực vật rồi tiếp tục... quay về xưởng ở địa phương để chế biến. Như vậy, thay vì được hoàn tất các thủ tục ngay tại TP Hồ Chí Minh thì phải vận chuyển qua lại nhiều lần hết sức vô lý. Vòng quay này tạo ra chi phí rất lớn, làm giảm lợi nhuận và nguồn lực của các DN. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chỉ tính riêng năm nội dung kiểm tra chuyên ngành của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, đã làm DN tiêu tốn gần 29 triệu ngày công và hơn 12.200 tỷ đồng.
Làm giảm sức cạnh tranh
Không chỉ những rào cản từ các quy định pháp luật, thủ tục hành chính bất hợp lý gây ra, DN còn đang phải “gánh” các loại chi phí khác với xu hướng ngày càng nhiều lên. Ông Lê Tuấn Linh, giám đốc một công ty chuyên gia công các mặt hàng may xuất khẩu cho biết: Chỉ vài năm gần đây, chi phí logistics của DN đã tăng khoảng ba lần. Nguyên nhân chủ yếu do các hãng tàu biển bắt tay nhau để lạm thu đến gần 70 loại phí khác nhau, trong đó có nhiều loại phí rất vô lý khiến DN bất bình như phí làm sạch, vệ sinh hay mất cân đối công-ten-nơ,… Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng các loại chi phí vận tải đường bộ, BOT càng tạo thêm gánh nặng cho DN. Cụ thể, với các xe công-ten-nơ 40 phít (feet) hoặc chở hàng từ 18 tấn trở lên, mức thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ BOT tại nhiều trạm BOT dao động từ 120 đến 200 nghìn đồng/lượt. Với 38 trạm thu BOT dọc từ bắc vào nam, giá dịch vụ BOT phải trả cho mỗi xe vào khoảng 7,6 triệu đồng. Cộng thêm các chi phí xăng dầu, vận tải khác, phí vận chuyển hàng hóa đường bộ từ TP Hồ Chí Minh ra đến cảng Hải Phòng tương đương chi phí chuyển hàng bằng đường biển từ TP Hồ Chí Minh đi Nhật Bản. “Với hàng chục công-ten-nơ xuất khẩu mỗi năm, những chi phí này bóc gần hết lợi nhuận của DN, bởi ngành may mặc Việt Nam chủ yếu làm gia công cho nên lợi nhuận rất thấp” - ông Linh than thở.
Ông Đậu Anh Tuấn cung cấp thêm: Chi phí vốn quá cao cũng đang làm DN Việt Nam luôn yếu thế trong cuộc cạnh tranh với DN nước ngoài. Cụ thể, chi phí vốn trung bình của DN Việt Nam tới 7,9%, trong khi DN tại Ma-lai-xi-a ở mức 4,6%, Trung Quốc 4,3%, Hàn Quốc 2,3% và Nhật Bản chưa đến 1%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cũng đang cao nhất khu vực ASEAN, lên tới 32,5% lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%), chưa kể 3% phí công đoàn, trong khi cùng khu vực, DN tại Ma-lai-xi-a chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Phi-li-pin 10%, In-đô-nê-xi-a 8%, còn Thái-lan 5%,... Ngoài ra, do sức ép từ thu ngân sách, nhiều địa phương đang ồ ạt tăng phí thuê đất, có địa phương tăng hơn bốn lần, trường hợp cá biệt được VCCI ghi nhận tăng đến 14 lần, làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của DN. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất trong hoạt động kinh doanh vẫn là những chi phí không chính thức, thường được gọi là “phí bôi trơn". Chi phí không chính thức đang phát sinh ở nhiều công đoạn kinh doanh và trong hầu hết quá trình thực thi quy định pháp luật...
Thực tế câu chuyện thuế, phí “ăn mòn” đến gần 40% so với lợi nhuận của DN, cao hơn hai lần so với Xin-ga-po đã từng được đề cập rất nhiều lần trong báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Có người ví von các loại “giấy phép con” giống như quái vật rắn chín đầu trong thần thoại Hy Lạp, cứ chặt đầu này thì lại mọc ra đầu khác. TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Thời gian qua, quá nhiều các loại chi phí đang khiến cho DN hoạt động kém hiệu quả, làm tăng chi phí sản xuất của DN, dẫn tới hàng Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh ngay ở chính thị trường trong nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến tinh thần kinh doanh của DN bị suy giảm. Ngoài giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, nhiều DN đã phải bán một phần hoặc toàn bộ 100% vốn cho các DN nước ngoài. Đó là bài toán mà Nhà nước cần nghiên cứu để ngăn chặn đà thoái lui trên thị trường của các DN.