Họp báo Chính phủ thường kỳ: Thanh tra, kiểm tra, kết luận công khai, xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm

08:22, 04/10/2017

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/10, trả lời báo giới về việc hai năm qua, hàng loạt các vụ án lớn, nhiều cán bộ quản lý vướng vào lòng lao lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đều quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ là xem xét thanh tra, kiểm tra, kết luận rất minh bạch công khai, xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm. Không phải riêng những vụ án nghiêm trọng mà ngay cả những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, báo chí phản ánh, có thể ở các vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, đều được xem xét rất kỹ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch.


*Việc kỷ luật lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không ảnh hưởng đến Hội nghị APEC

Cũng theo Bộ trưởng Chủ nhiệm, “đây là bài học mà các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thấy rằng công tác quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ trong một thời điểm nào đấy có thể chưa quản lý hết được, chưa đánh giá kỹ được. Chúng ta đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều hành ở chỗ này, chỗ khác, nếu phát hiện vấn đề, vụ việc thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm, ngay cả các cán bộ đã được nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm, kỷ luật. Tất cả các nội dung này đều công bố công khai. Như vậy, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, với Nhà nước sẽ rất tốt, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”.

Bộ trưởng nêu quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục giao các cơ quan điều tra, thanh tra Nhà nước xử lý các vụ việc, các dự án thua lỗ kéo dài, đầu tư kém hiệu quả, để công khai cho công luận.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp phiên thứ 17, báo cáo Bộ Chính trị có kết luận ban đầu liên quan đến Bí thư và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Việc kỷ luật Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng không ảnh hưởng đến việc diễn ra sự kiện APEC vào tháng 11 tới đây vì đây là sự kiện chính trị rất lớn, quan trọng. Ủy ban Quốc gia APEC do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch, có sự tham gia của các bộ. Hội nghị sẽ có sự hiện diện của một số nguyên thủ quốc gia. Trách nhiệm của Việt Nam là phải đảm bảo tốt, hiệu quả, thể hiện được vị thế, vai trò, tiếng nói của nước chủ nhà. Hiện, các hội nghị cấp bộ trưởng cũng như công tác trù bị chuẩn bị cho hội nghị vẫn diễn ra bình thường.

Việc điều tra xem xét và công bố quyết định kỷ luật của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là việc cơ quan chức năng đã triển khai và tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo. “Chúng ta yên tâm mọi việc này sẽ được đảm bảo trình tự, suôn sẻ, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tốt an ninh quốc phòng và trật tự nơi diễn ra sự kiện”, Bộ trưởng khẳng định.

*Chưa chịu sức ép nào trong vụ thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái

Liên quan đến vụ thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc việc thanh tra từ tháng 7/2017 nhưng cho đến nay đã gần 3 tháng vẫn chưa công bố kết luận thanh tra khiến dư luận hoài nghi về tính công khai và minh bạch, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết việc này chậm do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quan điểm của cơ quan này là vụ việc phải được kết luận thận trọng, chính xác, khách quan. Khi vụ việc sáng tỏ, kết luận được, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức công bố công khai. Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 3/10, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là các cuộc thanh tra đã có kết luận rồi phải tiến hành công bố công khai cho dư luận biết.

Ông Bùi Ngọc Lam cũng khẳng định việc chậm công bố kết luận không có mục đích nào khác ngoài việc để xem xét một cách chính xác, khách quan, thận trọng, nhất là đối với cán bộ quản lý và chưa chịu sức ép nào. “Đến thời điểm này, với tư cách của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tôi chưa nhận được thông tin nào nói rằng việc thanh tra tài sản Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái tiến hành lại từ đầu”, ông Lam nói.

*Xác minh vụ việc Phó Cục trưởng bị mất trộm

Nói về vụ việc gần đây liên quan đến ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) khai báo mất trộm gần 400 triệu đồng khi đang đi thanh tra doanh nghiệp tại Long An, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết “sẽ phối hợp với cơ quan điều tra làm đến cùng, một là để xác minh xem có phải tình ngay, lý gian không, anh Quang có vi phạm gì không, hai là chúng tôi cũng xem bên cạnh đó có vấn đề gì nữa, không trừ một ai. Những ai vi phạm pháp luật thì phải được xử lý”.

Bộ trưởng cũng cho hay, theo biên bản bàn giao của cơ quan điều tra thì “chỉ xác định là mất bao nhiêu, còn lại cái gì nhưng chúng tôi không thấy từ nào là có phong bì bóc dở, xé dở”. Từ thông tin này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ “không trừ một ai, kể cả những người lợi dụng đưa ra thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến người khác, nếu có kết quả điều tra mà có bằng chứng vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cho đến giờ chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào về việc ông Quang nhũng nhiễu, gây ra phiền toái. Ông bày tỏ mong muốn mọi việc cần đánh giá công khai, nhưng phải công bằng, khách quan, tránh chuyện đưa ra những suy diễn, suy đoán khi không cần thiết, ảnh hưởng đến uy tín không chỉ ông Quang mà của cả cơ quan nhà nước.

*Quy hoạch ga Hà Nội đang được lấy ý kiến bộ, ngành

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Grab và Uber trong tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay về thẩm quyền, Thủ tướng đã đồng ý cho thí điểm và triển khai loại hình này trên các đô thị. Và theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý từ quy hoạch. Quy hoạch giao thông vận tải có cả quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch quản lý về lượng xe và tổ chức các loại hình vận tải.

Theo ông Đông, việc kiểm soát số lượng theo từng loại hình là thẩm quyền của từng địa phương, đây là kiến nghị của Hiệp hội vận tải nên các địa phương sẽ phải xem xét, tùy theo điều kiện hạ tầng giao thông của các địa phương đó để có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đi lại nói chung với điều kiện hạ tầng hiện hữu của đô thị đó.

Về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Thủ tướng đã có chỉ đạo thận trọng khi lập quy hoạch. Về khía cạnh giao thông liên quan đến khu vực ga Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu và có ý kiến. Hiện nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải hạ tầng giao thông nên việc kiểm soát phát triển không gian đô thị là hết sức quan trọng. Theo quy định chung, khuyến cáo quỹ đất dành cho giao thông đối với hai địa phương này là trên 20%, nhưng hiện tại mới chỉ có 7-8%.

“Theo quy hoạch chuyên ngành mà Thủ tướng đã quyết định, ga Hà Nội là ga trung tâm, cả liên vận và liên vận quốc tế, là đầu mối giao thông, kết nối cả giao thông quốc gia và đô thị, có tuyến đường sắt nội đô cắt qua khu vực này nên phải xem xét cả giao thông nội trong khu vực đó và giao thông quốc gia với mật độ hành khách trung chuyển qua khu vực này. Quy hoạch là cần thiết, ý kiến của các Bộ ngành sẽ được nghiên cứu và bàn bạc trong thời gian tới” – Thứ trưởng Đông nhấn mạnh./.