Từ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị "Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam" do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 13/10 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Hội nghị "Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” được tổ chức nhằm đánh dấu Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10) với chủ đề “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và sơ tán khi có thiên tai” là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, chia sẻ, cùng hành động để hướng tới một tương lai an toàn hơn, tăng cường liên kết nỗ lực chung các bên trong giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn cho cộng đồng, người dân trước thiên tai.
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, với các loại hình thiên tai như hạn hán, bão lớn và lũ lụt, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và con người. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để ứng phó với các rủi ro về thiên tai do khí hậu. Thiên tai có thể xóa đi hàng thập kỷ xây dựng và phát triển; chi phí để xây dựng lại có thể còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để đầu tư cho sự thích ứng với thảm họa thiên nhiên. Việt Nam hiện đối mặt với một số thách thức chính trong quản lý rủi ro thiên tai, bao gồm sự phân tán về thể chế, các quy trình quy hoạch ngành thiếu hiệu quả và không có một chiến lược hiệu quả về chi phí để đảm bảo về tài chính.
Các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp để giải quyết những thách thức, bao gồm việc phân định rõ và tập hợp trách nhiệm trong quản lý rủi ro thiên tai giữa các cơ quan và việc hình thành những hệ thống mạnh mẽ để chuẩn bị và ứng phó với thiên tai... Các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng Việt Nam có thể làm giảm nhẹ các rủi ro về thảm họa thiên tai tại quốc gia của mình thông qua việc thực hiện một chiến lược quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp... Một số vấn đề trọng tâm được trình bày tại hội nghị như: Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp tại Việt Nam - nghiên cứu điển hình về hạn hán và xâm nhập mặn, thách thức, cơ hội và quan điểm; quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam - tầm nhìn, thách thức và cơ hội; tài chính cho rủi ro thiên tai - bối cảnh ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; khả năng chống chịu trong quản lý nguồn nước; giảm thiểu rủi ro sạt lở bờ sông, bờ biển...
Một chương trình hỗ trợ kỹ thuật mới về thích ứng trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm – được hỗ trợ bởi Quỹ Tín thác của nhiều nhà tài trợ cho Chương trình Ứng phó với khủng hoảng giá lương thực cũng đã được ra mắt tại hội nghị này.
Việt Nam là đất nước dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai với hơn 70% dân số quốc gia phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người bị thiệt mạng và tài sản bị thiệt hại ước tính là trên 6,4 tỉ đô la Mỹ.
Thiên tai trong những năm gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường, điển hình là trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và một số tỉnh lân cận đã làm 44 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 55 triệu đô la Mỹ; vào giữa tháng 9/2017, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây quét qua địa bàn các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 9 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 385 triệu đô la Mỹ. Gần đây nhất, trong 2 ngày 9-10/10/2017, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã và đang gây ra hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn, mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Tính đến 17 giờ ngày 12/10, đợt mưa lũ đã làm 80 người chết và mất tích, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó ngành Nông nghiệp được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai. Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thủy văn./.