Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

15:06, 14/10/2017

Ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chù trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Hiện nay, cả nước có trên 14,3 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,2 triệu ha; rừng trồng 4,1 triệu ha. Độ che phủ rừng đạt 41,19%. Từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị thiệt hại trên 1.200 ha, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2016. Các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ. Qua thống kê cho thấy, thời gian gần đây, công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng đã được các cấp, các nghành quan tâm hơn nên tình trạng phá rừng trái pháp luật và diện tích rừng bị thiệt hại đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An…

Thái Nguyên hiện có trên 186 nghìn ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 76 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 53%. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng để giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương người dân còn sinh sống trong vùng lõi hoặc khu vực liền kề với các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, trong khi đó cơ chế hưởng lợi từ rừng đặc dụng, phòng hộ chưa đảm bảo cuộc sống cho người dân nên chưa thúc đẩy được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 269 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 31% so với cùng kỳ; tịch thu 453m3 gỗ quy tròn các loại; thu nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng…

Tại Hội nghị, các địa phương đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng theo các chính sách mới của Nhà nước đã ban hành; bổ sung các chính sách đối với các hộ gia đình và cá nhân đã được giao đất rừng nhưng chưa được hưởng lợi từ rừng; ban hành và sửa đổi một số bất cập trong quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được thời gian qua của các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề cần phải khắc phục. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần đánh giá đúng thực trạng về công tác quản lý, bảo vệ rừng để từ đó có biện pháp quản lý, bảo vệ tốt vốn rừng và phát triển rừng, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc sống gần rừng; chấm dứt tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái phép và tình trạng di dân tự do…