Cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đang bùng nổ trên thế giới, trở thành nhân tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Đây cũng là nền tảng để các ngành kinh tế tăng năng suất, tạo ra cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp (DN). Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) sẽ đóng vai trò rất quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Tiềm năng lớn
Kinh tế số (hay kinh tế in-tơ-nét) là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho đổi mới và phát triển trên toàn cầu. Những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ biên giới địa lý giữa các quốc gia. Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Theo tính toán của Tạp chí Forbes, lĩnh vực kinh tế số đang có giá trị khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm khoảng 3,8% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Tại các quốc gia ASEAN, trong năm 2016, kinh tế số đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD, tương đương 6% GDP của các quốc gia ASEAN. Dự báo, đến năm 2020, kinh tế số của khu vực này tăng trưởng 17%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế khu vực chỉ được dự báo ở mức 9%/năm.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được đánh giá có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Cụ thể, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2016 ước đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với 2,2 tỷ USD năm 2013, tăng kỷ lục so với mức doanh thu năm 2012 chỉ chưa đầy 1 tỷ USD. Với doanh thu 5 tỷ USD, đã chiếm hơn 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2016. Bên cạnh đó, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, năm 2016 đạt giá trị 390 triệu USD; ước tính đến năm 2020 sẽ tăng gấp ba lần. Thị trường công nghệ tài chính (Fintech) của Việt Nam trong những năm qua cũng có sự phát triển tích cực về số lượng DN tham gia; phong phú về mô hình kinh doanh, từ các cổng thanh toán, dịch vụ tài chính cá nhân bao gồm ví điện tử, ứng dụng ngân hàng số, cho tới các nền tảng gọi vốn cộng đồng, các ứng dụng cho vay ngang hàng không qua các ngân hàng trung gian. Đặc biệt, số lượng người sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam đã lên đến khoảng 50 triệu, cho thấy người dân Việt Nam thuộc nhóm ưa thích công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để phát triển kinh tế số.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
Theo các chuyên gia, mấu chốt của kinh tế số chính là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các DN viễn thông - CNTT chủ lực trong nước đã tập trung đầu tư một hạ tầng mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, trong hai năm gần đây, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng mạng lưới. Hạ tầng băng rộng cố định của VNPT phủ sóng cả nước, trong đó cáp quang đã có mặt tại 97% số xã trên cả nước; đường truyền tốc độ cao đã lên đến gần 6 tê-ra-bai (TB) và đi quốc tế khoảng 2 TB. Sắp tới VNPT sẽ đưa vào sử dụng thêm các tuyến cáp mới để bảo đảm hạ tầng truyền dẫn kết nối phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế số. VNPT cũng đang là DN sở hữu hạ tầng viễn thông - CNTT đầy đủ nhất tại Việt Nam, từ mạng lưới vệ tinh, di động tới in-tơ-nét, cố định và gần 60 nghìn trạm thu phát sóng di động các loại, trong đó phần lớn là trạm 3G và 4G. Theo kế hoạch, trong năm nay, VNPT sẽ lắp khoảng 21 nghìn trạm 4G mới để cung cấp dịch vụ tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, đưa in-tơ-nét băng rộng di động trở thành một dịch vụ cơ bản với mọi người dân. Ngoài ra, sau hai năm chuyển hướng đẩy mạnh phát triển mảng CNTT, hiện VNPT xây dựng rất nhiều giải pháp CNTT trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, du lịch,… Nhiều giải pháp đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và được triển khai rộng khắp cả nước. Mặt khác, VNPT cũng không ngừng thiết lập các hạ tầng viễn thông hiện đại (big data - dữ liệu lớn, điện toán đám mây), các nền tảng dịch vụ để cung cấp công cụ cho các DN nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo xây dựng các ứng dụng phục vụ xã hội, cộng đồng. Nền tảng kết nối thông minh đang được nhiều DN sử dụng để phát triển các ứng dụng về y tế, giao thông, nông nghiệp, điện lực,… Với các sản phẩm đang cung cấp cho chính quyền, cho các DN lớn, VNPT luôn đưa ra định hướng để khách hàng có được một mô hình, lộ trình chuyển đổi số cụ thể. Vừa qua, VNPT đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với IBM Việt Nam thúc đẩy phát triển thành phố thông minh và các công nghệ mới. Theo đó, IBM sẽ chia sẻ về phương pháp xây dựng chiến lược về big data trong ngành công nghiệp viễn thông và trong các dự án thành phố thông minh, các giải pháp linh hoạt, thông minh cũng như hỗ trợ chương trình khởi nghiệp sáng tạo của VNPT trong sử dụng nền tảng của IBM. Hai bên cũng sẽ hình thành nhóm làm việc, tổ chức hội thảo để chia sẻ cập nhật sản phẩm, công nghệ có liên quan mới nhất của IBM. Có thể nói, đây là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác bền vững, lâu dài giữa IBM và VNPT, phù hợp xu thế phát triển trong giai đoạn mới, góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.