Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật nhưng chưa đồng bộ và chưa thực sự đi vào thực tế nên việc tiếp cận giáo dục, nhất là giáo dục đại học đối với người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn và rào cản. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật” do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) tổ chức ngày 23/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật ở các dạng khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính, chiếm khoảng 7,8% dân số. Trong số đó, tỷ lệ người khuyết tật biết đọc, viết trong độ tuổi từ 16-24 tuổi chiếm 69,1%; chỉ có 0,1% người khuyết tật học cao đẳng, đại học. Thực tế, học sinh, sinh viên khuyết tật gặp nhiều khó khăn, rào cản như phương tiện công cộng, cơ sở vật chất, môi trường học tập của trường chưa tiếp cận với các dạng tật.
Bên cạnh các chi phí học tập như những sinh viên bình thường khác họ còn mất thêm nhiều chi phí phát sinh do phải sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp với từng dạng tật từ việc đi lại đến tài liệu học tập, hay chi phí cho người hỗ trợ cá nhân với những sinh viên khuyết tật đặc biệt nặng. Mặt khác, do định kiến từ xã hội cũng như rào cản về môi trường làm việc những sinh viên khuyết tật rất khó tìm được công việc làm thêm nên họ ít có điều kiện trải nghiệm thực tế để trau dồi thêm kiến thức, hình thành các kỹ năng cần thiết.
Cơ hội học tập ở những bậc học cao hơn đối với người khuyết tật cũng ít hơn, bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED) chia sẻ, hiện nay các trường chuyên biệt cho học sinh bậc tiểu học đã khá nhiều, tuy nhiên từ bậc trung học cơ sở thì rất ít chủ yếu các em học hòa nhập ở các trường phổ thông, như vậy cơ hội học tập ở bậc học cao hơn như đại học cho các em rất khó, đặc biệt là với những em khuyết tật dạng nặng.
Không chỉ khó khăn trong giao tiếp, với riêng người khiếm thính, khiếm thị, việc học tập càng khó khăn hơn khi tài liệu học tập ở các trường hầu hết chưa phù hợp, như không có dịch vụ hỗ trợ nghe, nguồn tài liệu dành cho người khiếm thính cũng hạn chế... họ khó theo kịp bài học cũng như tiếp cận với kiến thức mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là rào cản ngay từ trong nhận thức của người khuyết tật. Chính họ phải tự nỗ lực vượt qua chính mình, chủ động đề xuất những điều thiếu hụt để được hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Từ thực tế, ông Hoàng Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tiếp cận giáo dục đối với học sinh, sinh viên khuyết tật hiện nay vẫn còn những khó khăn do cơ sở vật chất trường học chưa đáp ứng. Một vấn đề bất cập nữa là việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho học sinh chưa có sự đồng bộ.
Cụ thể, việc yêu cầu cần có thêm giấy chứng nhận mức độ khuyết tật của địa phương khi đội ngũ làm công tác này không có chuyên môn nên không đánh giá đúng mức độ khuyết tật. Điều này khiến cả học sinh khuyết tật và giáo viên khó khăn, vì sẽ không có giải pháp hỗ trợ học tập phù hợp với mức độ khuyết tật của học sinh; mặt khác, học sinh không có giấy chứng nhận khuyết tật thì giáo viên cũng không được chế độ hỗ trợ theo quy định.
Một khó khăn đối với công tác giáo dục hòa nhập là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương. Giáo viên tại các trường chuyên biệt có biến động trong những năm gần đây do nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác.
Trước những khó khăn đó, các đại biểu cho rằng cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật có cơ hội học tập, như miễn giảm học phí cho tất cả sinh viên khuyết tật (thay vì như hiện nay sinh viên khuyết tật thuộc gia đình nghèo, cận nghèo mới được miễn giảm học phí). Các trường học cần có thêm phòng hỗ trợ sinh viên khuyết tật phù hợp với từng dạng tật; tăng cường dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật; xây dựng môi trường thân thiện, phù hợp với từng dạng tật của người khuyết tật./.