Để thủy điện phát triển bền vững

15:20, 17/11/2017

Thượng nguồn sông Cả, sông Chu,... ở Nghệ An từng gây nỗi kinh hoàng về lũ lụt đã được quy hoạch và xây dựng nhiều dự án thủy điện (DATĐ), không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng mà còn góp phần cắt, giảm lũ và chống hạn cho hạ du. Tuy nhiên, những thực tế triển khai từ một số DATĐ ở phía tây Nghệ An cũng cho thấy cần có các giải pháp căn cơ để phát triển bền vững thủy điện.

Đổi thay từ những dòng sông

Tại các huyện miền núi Nghệ An hiện có 46 DATĐ, tổng công suất hơn 1.400 MW. Trong đó, Chính phủ phê duyệt tám dự án lớn, gồm Bản Vẽ 320 MW, Hủa Na, Mỹ Lý cùng 180 MW, Khe Bố 100 MW, Nậm Mô 95 MW,... Ở cấp bộ và cấp tỉnh, phê duyệt 38 DATĐ vừa và nhỏ tổng công suất 300,6 MW. Hiện đã có 12 DATĐ, công suất 739,5 MW đã phát điện. Chỉ tính riêng sản lượng phát lên lưới điện quốc gia của ba DATĐ Bản Vẽ (phát điện năm 2010), Hủa Na và Khe Bố (cùng phát năm 2013) đã đạt hơn 11,3 tỷ kW giờ. Các dự án này đã bắt đầu đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.754,6 tỷ đồng,... Tại tỉnh Nghệ An còn có 20 DATĐ khác đang triển khai thi công, nghiên cứu đầu tư.

Theo các phương án đã được phê duyệt, ngoài nhiệm vụ phát điện, các DATĐ còn thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như cắt, giảm lũ và chống hạn cho hạ du. Điển hình là hồ chứa 1,8 tỷ m3 nước của Thủy điện Bản Vẽ đã làm tốt việc cắt, giảm lũ và chống hạn. Năm 2016, hồ chứa nước này đã “đón” hai trận lũ với đỉnh lũ đạt lưu lượng 2.880 m3/giây và 1.610 m3/giây. Phần lớn lượng lũ này được giữ lại hồ, chỉ xả qua tổ máy, tránh được ngập lụt cho hạ du. Trước đó, lưu vực sông Cả bị hạn hán nghiêm trọng, Thủy điện Bản Vẽ đã xả nước xuống hạ du trung bình 130 m3/giây, trong lúc lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 63 m3/giây đã góp phần quan trọng chống hạn, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Cả, ổn định sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Hơn mười năm qua, tỉnh Nghệ An tổ chức di dời hàng chục nghìn người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn đến các khu tái định cư (TĐC) để bàn giao mặt bằng thực hiện các DATĐ này. Chỉ tính riêng ba DATĐ lớn nêu trên đã chi gần 3.500 tỷ đồng đầu tư hơn 50 khu TĐC, điểm di vén cũng như việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC gần 5.000 hộ với hơn 22 nghìn nhân khẩu đến nơi ở mới. Các khu TĐC được đầu tư xây mới khá bài bản, nhất là hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch, thủy lợi,… Nhà ở cho người dân được đầu tư làm mới, kiên cố, ưu tiên cấp đất nông, lâm nghiệp và đất ở với diện tích khá lớn. Chủ đầu tư cùng địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ ban đầu khá tích cực để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm Lương Quang Cảnh cho biết: 14 bản của bốn xã thuộc huyện Tương Dương gồm 1.375 hộ, hơn 6.000 nhân khẩu đã về huyện Thanh Chương lập xã mới Ngọc Lâm. Bước đầu, cuộc sống người dân khá ổn định nhờ chính sách hỗ trợ gạo, cây con giống của Nhà nước. Phần lớn các hộ dân đã được nhận đất khai hoang để trồng lúa, sắn và cây keo. Toàn xã đã trồng được 120 ha chè, gây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi. Một số hộ năng động, phát triển sản xuất và dịch vụ khá tốt, như hộ anh Lương Văn Thanh Tiến ở bản Muộng, Vi Văn Quyền ở bản Tả Xiêng,… Hiện cả xã đã có bảy hộ mua được ô-tô để làm dịch vụ, nhiều hộ đã sắm được xe máy và thiết bị gia dụng.

Hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ góp phần quan trọng chống hạn, đẩy mặn cho vùng hạ du sông Cả.

Những vấn đề đặt ra

Những hệ lụy do các DATĐ gây ra trong thời gian qua cũng không hề nhỏ. Trước hết, do quy hoạch khá “nóng” nên một số DATĐ nhỏ không phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội như kỳ vọng; lại mất nhiều diện tích rừng, đất nông nghiệp, phải di dời nhiều hộ dân. Tại xã rẻo cao biên giới Mỹ Lý (Kỳ Sơn) quy hoạch DATĐ công suất 180 MW, nhưng do khu vực này giao thông khó khăn, lại giáp ranh nước bạn Lào cho nên chưa có chủ đầu tư nào triển khai thực hiện dù Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch từ khá lâu. Chính vì vậy, gần đây, tỉnh Nghệ An đã xem xét, loại bỏ khỏi quy hoạch hoặc thu hồi 14 DATĐ, hiện chỉ còn 32 DATĐ với tổng công suất 1.356,9 MW. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của các DATĐ thường kéo dài, trong khi có nhiều chính sách thay đổi, dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất; một số chính sách có mức hỗ trợ TĐC quá thấp, chưa sát thực tế (như hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ di chuyển,...); sự phối hợp giữa chính quyền với chủ đầu tư trong việc áp dụng các chế độ chính sách cho người dân còn chồng chéo hay chưa thống nhất giữa các dự án,... đã gây bức xúc trong nhân dân.

Đó là chưa kể công tác quy hoạch, khảo sát địa điểm bố trí các khu TĐC còn hạn chế, một phần do địa hình đồi núi khó lựa chọn địa điểm TĐC phù hợp, nhất là di dời, tái định cư tại chỗ. DATĐ Bản Vẽ tổ chức di dời hơn 2.000 hộ với gần 10 nghìn người từ vùng núi cao Tương Dương xuống tận vùng bán sơn địa Thanh Chương - nơi có phong tục, tập quán lẫn điều kiện canh tác, sản xuất khác hẳn so với nơi ở cũ. Theo con số tính toán thì đất lâm, nông nghiệp giao cho các hộ di dân khá cao so với chỉ tiêu, kế hoạch, nhưng trên thực tế triển khai các DATĐ, nhiều hộ dân vẫn thiếu đất sản xuất hay chưa được giao đất, nhiều nơi vẫn chưa được cấp sổ đỏ đất ở, đất sản xuất,... Do bước đầu không quen điều kiện sống mới, cho nên sau khi hết thời gian hỗ trợ lương thực, đã có không ít người dân tìm cách trở về nơi ở cũ (khu vực lòng hồ thủy điện) bất chấp nguy hiểm để kiếm sống, gây ra hệ lụy cho địa phương về công tác an ninh, trật tự, chăm sóc sức khỏe, giáo dục ở khu vực lòng hồ.

Trước thực tế có nhiều vấn đề “hậu” TĐC nảy sinh và kéo dài, một số chủ đầu tư lại thiếu trách nhiệm, nhất là các dự án được ưu tiên cho tích nước, chạy phát điện trước, tỉnh Nghệ An đã phải rất vất vả để giải quyết hệ lụy “hậu thủy điện”. Điển hình như DATĐ Khe Bố, mặc dù nhà máy đưa vào vận hành năm 2013, nhưng việc thi công đường tránh quốc lộ 7A (dài khoảng 700 m) qua xã Thạch Giám kéo dài từ năm 2013 đến nay chưa hoàn chỉnh, gây mất an toàn giao thông. Nhiều khu TĐC chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng theo quy định, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Hay chế độ hỗ trợ vượt nghèo cho 421 hộ dân TĐC với hơn 10 tỷ đồng được trình thỏa thuận từ năm 2011, nhưng mãi đến nay mới được chủ đầu tư thực hiện, sau khi có ý kiến chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đã gây bức xúc cho người dân. Một số DATĐ như Hủa Na, Chi Khê,... chưa thanh toán hết tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, TĐC cho người dân. Tại DATĐ Hủa Na, không ít hộ dân ở các khu TĐC thiếu đất hay chưa được nhận đất sản xuất; nhiều công trình nước sạch bị hư hỏng, chưa được sửa chữa. Hàng chục hộ dân ở dọc lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn, Khe Bố bị lún sụt, có nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng người dân nhưng chủ đầu tư chậm phối hợp khắc phục.

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng cho biết, địa phương phải “căng mình” trong hơn 10 năm qua để di dời hàng nghìn hộ dân đến các khu TĐC trong và ngoài huyện, giờ đây lại phải tiếp tục giải quyết “hậu” TĐC thêm một thời gian dài nữa, trong lúc nguồn lực hỗ trợ cho huyện nghèo 30a hầu như không có. Cũng chính vì bài học nhãn tiền về TĐC là khá lớn, cho nên huyện Con Cuông chưa cho Thủy điện Chi Khê (công suất 41 MW) tích nước phát điện với lý do chưa hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ và TĐC.

Đáng lưu ý, trong khi hiệu quả kinh tế cao từ các nhà máy thủy điện là khá rõ, chỉ sau 10 - 15 năm là các DATĐ đã có thể thu hồi vốn, thì thu nhập của các hộ dân các khu TĐC thủy điện lại khá thấp, khoảng 7 - 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Theo báo cáo của huyện Tương Dương, trong số 536 hộ TĐC tại chỗ (nội huyện) của DATĐ Bản Vẽ, có đến 72,25% là hộ nghèo so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện 43,84% (năm 2016), 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, 20% chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh: Các chủ đầu tư và chính quyền cơ sở cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết một cách căn bản, quyết liệt các tồn đọng ở các khu TĐC, không để kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Từ những thực tế đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét quy định trích lại một phần lợi nhuận của DATĐ cho các hộ dân đã nhường đất làm dự án, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo,... nhằm góp phần giúp họ thoát nghèo bền vững; trích lại một phần thuế mà các DATĐ đã nộp về các địa phương (huyện, xã) vùng ảnh hưởng để giải quyết các vấn đề “hậu” TĐC, hay khoanh nuôi bảo vệ rừng. Bà con các dân tộc thiểu số chuyển đổi từ tập tục canh tác cũ sang thâm canh lúa nước, chăn nuôi tập trung, phát triển dịch vụ,... rất cần cán bộ thật sự tâm huyết, kiên trì “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn, các chương trình dự án cho đồng bào diện TĐC.