Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2017), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết về: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay – Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Phần II: Những vấn đề đặt ra đối với phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam (tiếp theo và hết)
Việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong hơn 31 năm qua đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên, thực tế thể chế kinh tế vẫn còn chứa đựng nhiều bất cập, hạn chế và nhiều vấn đề đặt ra, có thể nêu một số điểm như sau:
Thứ nhất, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn còn nhiều vương vấn trong tư duy và hành động. Nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn bám vào thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, chưa thoát ra để đi vào thị trường một cách đầy đủ, nhiều cách và phương thức quản lý vẫn theo lối cũ, thích được cấp phát, xin cho hơn là để thị trường điều tiết. Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn quá chậm, cụ thể là quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; đặc biệt là còn có biểu hiện cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực phát triển. Đây là một trong những yếu kém đang kéo dài sự nghèo đói, kém phát triển trong thực tiễn Việt Nam hiện nay, cần có giải pháp đột phá và tư duy sáng tạo thỉ mới mong sớm có thể chế kinh tế phù hợp.
Thứ hai, các chủ thể kinh tế chưa được bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực xã hội, các loại hình doanh nghiệp chưa được hoạt động bỉnh đẳng, chưa tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định. Quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản chưa được tôn trọng và bảo đảm. Quyền tự do sáng tạo, tự do làm giàu, tự do mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và đất nước còn chưa thực sự được bảo đảm và khuyến khích.
Thứ ba, một số loại thị trường chậm hình thành, phát triển và vận hành kém hiệu quả. Quy luật thị trường về giá cả hàng hóa và dịch vụ còn chưa được tôn trọng. Thiếu thể chế bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Xóa đói giảm nghèo còn chưa bình đẳng. Nhiều mặt của cuộc sống chưa được áp dụng và tôn trọng theo quy luật thị trường. Một trong những cơ chế còn chưa theo kịp thể chế kinh tế thị trường đó là cơ chế trả lương cho người lao động, đặc biệt là lương cho cán bộ, công nhân, viên chức, vẫn còn nguyên theo cơ chế cũ mà lẽ ra ở nền kinh tế thị trường, lương chính là giá cả của sức lao động một cách minh bạch nhất. Nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn đang nửa vời chưa thật sự vận dụng đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường, chưa thật sự thể hiện được nội hàm của thể chế kinh tế thị trường.
Thứ tư, phương thức lãnh đạo của Đảng về kinh tế xã hội chưa đổi mới phù hợp với yêu cầu về đổi mới kinh tế. Đặc biệt, còn thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, còn nhiều bất cập trong phân công, phân cấp. Quản lý của nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hiệu quả, hiệu lực chưa cao; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.... Đặc biệt là, chưa theo được tinh thần chính phủ kiến tạo. Đồng thời, thể chế chính trị chưa đổi mới theo kịp và đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế.
Từ những tồn tại, yếu kém nêu trên, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa tạo ra động lực cho phát triển cao và bền vững. Chính vì lẽ đó, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế kinh tế thị trường, thể chế chính trị, văn hóa và xã hội.
Để động lực của phát triển có thể đến được từ đổi mới thể chế kinh tế và để thể chế kinh tế có thể phát triển thì điều đầu tiên phải bàn đến chính là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư duy, trong đó cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về kinh tế và đột phá tư duy để nền kinh tế nước ta thực sự năng động và hiệu quả. Việc nhận thức đúng đắn về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chìa khóa đột phá cho sự phát triển. Do vậy, cần đẩy mạnh và triệt để đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướngxã hội chủ nghĩa, làm cho toàn xã hội có một nhận thức và tư duy thống nhất đúng đắn với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng làm cho thế giới đang ngày một nhích lại gần nhau hơn, thế giới phẳng, không gian và thời gian như nhỏ lại, ngắn hơn đã và đang thu hút các quốc gia, các nền kinh tế vào quỹ đạo nền kinh tế thị trường mà ở đó kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, thị trường và cơ chế thị trường quyết định sự phân bổ nguồn lực và cung cấp các thông tin, phi tập trung hóa là đặc trưng quan trọng trong việc ra quyết định, lợi ích là động lực chủ yếu để thúc đẩy các thành viên thị trường.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, với mục tiêu phấn đấu là xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là những yếu tố thị trường của nền kinh tế thị trường hiện đại cần phải có thì đều được phát huy và phát triển ớ mức cao, đồng thời, nền kinh tế thị trường này có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để hạn chế các mặt trái tiêu cực của cơ chế thị trường, cũng như những tác động làm cho các quan hệ kinh tế thay đổi về cách thức và phương thức mới theo hướng phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, có nhiều đặc trưng của chủ nghĩa xã hội hơn. Đồng thời, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có cơ chế phân phối hiệu quả và công bằng mang đặc sắc của chủ nghĩa xã hội.
Tiếp theo đó, theo văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển cần phải “Tiếp tục hoàn thiện thể chế sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại doanh nghiệp, thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013” để nền kinh tế này phát triển năng động như một nền kinh tế thị trường hiện đại. Ở đó, thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp được hoàn thiện, đổi mới, môi trường kinh doanh được thông thoáng và hòa nhập với môi trường kinh doanh ở trên các thị trường thế giới và các quốc gia khác. Nền kinh tế thị trường không có sự phân biệt đối xử đối với các đối tượng và chủ thể trên thị trường đó. Mọi thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, chơi cùng một sân chơi và cùng một luật chơi, không có sự ưu tiên hay phân biệt. Mọi doanh nghiệp và doanh nhân được tạo điều kiện phát triển tốt nhất và được tôn vinh. Các khu vực kinh tế đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động bình đẳng, đúng pháp luật, được luật pháp bảo vệ và khuyến khích phát triển như nhau. Như vậy, cần đột phá tư duy về thể chế kinh tế, đẩy mạnh sự hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học, công nghệ và thị trường lao động, hai yếu tố quan trọng tạo nên năng suất lao động mới, làm tiền đề cho phát triển kinh tế.
Để có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển và đem lại những thành công đòi hỏi phải tạo lập môi trường công khai, minh bạch; Đảng thực sự trong sạch, thực sự mạnh, là chỗ dựa, là niềm tin của nhân dân và của cả dân tộc, có thể lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhà nước gọn nhẹ, có đủ năng lực điều hành và quản lý nền kinh tế, đưa nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chất lượng và hiệu quả, giải quyết tốt những vấn đề xã hội, bảo đảm nền kinh tế nước ta phát triển bền vững một cách thật sự.
Thực tế cho thấy, không phải nền kinh tế thị trường nào cũng đưa đến thành công, mà chỉ những nền kinh tế thị trường có thể chế kinh tế ưu việt mới có thể giúp cho nền kinh tế đó giàu mạnh. Điều đó khẳng định thể chế kinh tế đóng vai trò quyết định cho sự thành hay bại, cho sự giàu sang hay nghèo đói của một nước. Từ thực tế hiện nay cho thấy chúng ta cần đổi mới tư duy kinh tế nhiều hơn nữa, đột phá trong tư duy kinh tế, lấy hiệu quả thực tiễn của hành động làm thước đo, lấy hiệu quả và lợi ích mang lại cho cả đất nước, dân tộc làm làm tiêu chuẩn cho mọi chủ trương, đường lối phát triển. Nhìn lại 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, nhắc nhở chúng ta con đường đã chọn là con đường duy nhất đúng, nhưng cần phải không ngừng đổi mới và phát triển tư duy lý luận để bảo đảm một sự phát triển bền vững, lâu dài./.