Trước tình trạng nguồn nước của Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng, ô nhiễm chất lượng nước đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông, tập trung phần lớn ở vùng trung lưu và hạ lưu, nhiều vùng bị ô nhiễm nặng không thể kiểm soát… Do vậy, cần có các quy định đủ mạnh trong việc kiểm soát ô nhiễm nước để đảm bảo an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
* Còn nhiều bất cập
Tại Diễn đàn quốc gia về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, nhiều chuyên gia về môi trường đã cho rằng Việt Nam là nước có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước đã và đang xảy ra ở nhiều đoạn sông, tập trung phần lớn ở vùng trung lưu và hạ lưu (đoạn chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề). Nhiều con sông, suối, đoạn sông đang “chết” dần vì ô nhiễm; nước trong nhiều ao, hồ tại các làng nghề bị ô nhiễm nặng với mức độ ô nhiễm đã có nguy cơ không thể kiểm soát…
Điển hình là tại lưu vực sông Cầu, đoạn qua Bắc Giang- Bắc Ninh có nhiều đoạn nước có chất lượng nước kém; sông Ngũ Huyện Khê- một trong những sông có mức độ ô nhiễm khá nghiêm trọng; cầu Đào Xá vào tháng 9/2016 trạm quan trắc khu vực cũng ghi nhận hàm lượng tổng dầu mỡ vượt 8,7 lần tiêu chuẩn…Còn tại lưu vực sông Nhuệ- Đáy tại các đoạn chảy qua các đô thị và khu vực tập trung sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh. Các sông nội thành Hà Nội như sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, môi trường nước cũng luôn ở mức ô nhiễm nặng và không được cải thiện theo thời gian…
Tương tự, các sông kênh, mương, ao hồ tại hầu hết các làng nghề hiện nay cũng rơi vào tình cảnh ao hồ, kênh mương “chết” bởi nguồn nước từ các sông, hồ này không còn giá trị sử dụng do ô nhiễm. Đơn cử như làng nghề đúc nhôm Bình Yên (Nam Trực, Nam Định), với lượng chất thải ra môi trường quá lớn (500m3/ngày), nơi đây đang phải đối mặt với ô nhiễm nước thải nặng nề từ chính hoạt động sản xuất. Từ nhiều năm trở lại đây nhiều ha đất nông nghiệp của thôn Bình Yên bị bỏ không vì không thể cấy lúa do toàn bộ hệ thống nước mặt của thôn bị ô nhiễm nặng, không còn giá trị sử dụng…
* Cần xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm
Dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát xây dựng nhiều văn bản mới đã được thể chế hóa theo tinh thần của Luật Tài nguyên nước 2012. Theo đó có22 văn bản dưới luật đã tiếp cận toàn diện quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước hiện đại, cụ thể quản lý theo hướng tổng hợp, giải quyết tốt các mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên; giữa đất và nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; giữa khối lượng và chất lượng; giữa thượng lưu và hạ lưu...nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước đang có nguy cơ cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định các điều khoản về quản lý chất lượng nước, bảo vệ môi trường nước sông cùng một số quy định chi tiết về bảo vệ tài nguyên nước thống nhất với Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể hóa các quy định về quản lý lưu vực sông, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông.
Ngoài ra, còn các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư cũng quy định về giấy phép xả thải, thanh tra, kiểm tra, quan trắc giám sát; giám sát cộng đồng về tài nguyên nước, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước… Tuy vậy, hệ thống quản lý ô nhiễm nước hiện nay gần như bị vô hiệu hóa, ô nhiễm nước vượt tầm kiểm soát. Phải chăng các quy định về kiểm soát ô nhiễm nước còn quá dàn trải, thiếu tính thực thi? Hay bởi việc thực thi pháp luật của chúng ta còn quá yếu?
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng, những quy định liên quan đến ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng như Luật Tài nguyên nước vẫn chỉ dừng ở những quy định chung, chưa chi tiết, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm trong khi tình trạng ô nhiễm nước ở Việt Nam chưa được ngăn ngừa một cách bài bản và mức độ ô nhiễm đã có nguy cơ không kiểm soát được. Nguyên nhân chính là do Luật Tài nguyên nước chủ yếu đề cập đến nguồn nước như một tài nguyên quốc gia, còn Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005 và sửa đổi năm 2014) mang tính chất là luật khung, do vậy chưa thể chứa đựng đầy đủ nội dung cần thiết về ngăn ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Đó là chưa kể trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, các nội dung liên quan đến ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước còn nằm rải rác trong các chương, điều, chưa có điều kiện thể hiện liền mạch và liên thông nên các cơ quan quản lý và các đối tác tham gia bảo vệ môi trường nước chưa các định được rõ ràng nhiệm vụ phải thực hiện…
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên môi trường nhận định: Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng hiện nay, cần bảo đảm các nguồn nước được khôi phục trở thành nền tảng sinh thái quan trọng phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống và các hoạt động kinh tế, dịch vụ. Đồng thời cần khắc phục tính chất phức tạp và các quan hệ có tính xung đột giữa các hoạt động tương tác trên nguồn nước. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước. Đặc biệt là xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm, kèm theo đó là các chính sách ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ xử lý nước thải, phát triển ngành công nghệ xử lý và đào tạo các kỹ sư, các nhà công nghệ bậc cao về việc xử lý ô nhiễm nước, có chính sách chiến lược thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải./.