Đang có những chỉ dấu cho thấy, nhiệm vụ cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành gây cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong năm 2018, sẽ khả thi. Thực tế đã chứng minh chỉ khi có sự vào cuộc đồng bộ và đồng tốc của cả hệ thống quản lý nhà nước, độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh ở Việt Nam mới được thăng hạng đáng kể trên bảng xếp hạng của thế giới.
Doanh nghiệp không còn đơn độc
Có thể Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 1-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công thương xây dựng sẽ khiến ông Phạm Hoàng Lâm, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang) an lòng. Bởi kiến nghị về việc đổi mới phương pháp quản lý xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, như bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các DN xuất khẩu gạo mà ông Lâm cất công gửi tới Văn phòng Chính phủ đã được đề cập trong nội dung mới nhất của Dự thảo.
Động thái này của Bộ Công thương tiếp tục cho thấy quyết tâm của bộ này sau khi vụt sáng trong vai trò tiên phong công khai danh sách 675 ĐKKD sẽ bãi bỏ, cắt giảm. Cũng kể từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ này đã trình Chính phủ tám nghị định có liên quan đến bãi bỏ ĐKKD của một số ngành nghề kinh doanh như kinh doanh hóa chất, kinh doanh khí hóa lỏng. Đặc biệt, dự thảo nghị định sửa nhiều nghị định về các ĐKKD đã được Bộ Công thương hoàn thiện trình Bộ Tư pháp trong tháng 11-2017, để đối chiếu hoàn chỉnh trình Chính phủ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “Sự vào cuộc của Bộ Công thương đã thay đổi “cuộc chiến với giấy phép con” theo chiều hướng rất tích cực, nghĩa là các DN, chuyên gia không còn đơn độc như trước”.
Đến lúc này, quả là đã có nhiều bộ, ngành có chuyển biến tích cực trong các hành động cắt giảm ĐKKD. Chẳng hạn như, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động rà soát và đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ĐKKD, chiếm 34,2% tổng số ĐKKD của ngành, trong đó bãi bỏ 65, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 ĐKKD. Bộ Y tế cũng vừa công bố, đã đề xuất cắt giảm 36 điều kiện sản xuất, kinh doanh (theo các quy định tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ quản lý. Số thủ tục này chiếm gần 14% trên tổng số điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do bộ quản lý. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, giảm từ 54 điều kiện xuống còn 46 điều kiện; cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm giảm từ 57 điều kiện còn 48; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ 152 điều kiện còn 133 điều kiện...
Cũng phải nhấn mạnh, lâu nay, các quy định về ĐKKD thường được thực hiện theo cơ chế gia tăng chi phí gia nhập thị trường và làm giảm số lượng tiềm năng của DN kinh doanh trong ngành đó. Như vậy, một khi ĐKKD được gỡ bỏ, đồng nghĩa cơ hội gia nhập thị trường của DN được mở rộng, và thị trường được thúc đẩy theo hướng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, nhưng cũng bình đẳng hơn...
“Sẽ không chỉ có nhiều DN mới gia nhập thị trường mà sẽ có nhiều sáng kiến, ý tưởng kinh doanh mới, ngành nghề kinh doanh mới xuất hiện”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tin tưởng.
Cần gia tăng áp lực đổi mới
Nghị quyết 19-2017/NQ-CP được Chính phủ ban hành để thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, đã bước sang năm thứ tư, với nhiều kế hoạch hành động cụ thể, trong đó có nhiều quy định liên quan đến bãi bỏ ĐKKD. Cùng với Nghị quyết 19, trong hai năm 2016-2017, Chính phủ đã ban hành tới 16 nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tiến độ thực hiện vẫn khá chậm, thậm chí có nhiều nội dung chưa được thực hiện đúng. Lý giải về điểm này, ông Cung cho rằng, quyền lực của việc cho hay không cho DN tham gia thị trường thậm chí là một lý do lớn khiến “cuộc chiến với giấy phép con”, ĐKKD vô lý suốt nhiều năm qua, thực chất là cuộc đấu trí giữa các công chức và DN, trong đó lực phản kháng từ các công chức rất lớn.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế tiền kiểm thường đem lại những quyền lực và lợi ích lớn cho các bộ phận, công chức trực tiếp tham gia. Ngay cả Bộ Công thương trước khi trở thành ngôi sao cải cách cũng liên tục là “địa chỉ than phiền” của các DN. Thậm chí, có nhiều ĐKKD mà Bộ này cam kết bãi bỏ trong năm tới, cũng đã được kêu ca từ rất lâu, như điều kiện về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas...
Đây cũng được xác định là lý do tái sinh của khá nhiều ĐKKD, giấy phép con trong giai đoạn đầu của cuộc chiến này, điển hình là Bộ Giao thông vận tải sau khi bỏ gần như hết các ĐKKD vào năm 2000, thì đã nhanh chóng khôi phục lại hết, và thậm chí còn mọc thêm nhiều ĐKKD khác.
Hơn thế, khi tư duy tiền kiểm còn nặng nề, thì không bao giờ thực hiện được mục tiêu hạn chế được các ĐKKD, bởi đó là công cụ quản lý của cơ chế này. “Vấn đề ở đây là cách tư duy mới về quản lý nhà nước, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm là thay cả công cụ quản lý, cách thức quản lý. Việc này cần áp lực từ trên xuống, từ những người đứng đầu, đặc biệt là từ Thủ tướng Chính phủ”, ông Cung phân tích.
Áp lực này, theo ông cần đặt vào kỷ luật hành chính, buộc các bộ, ngành phải tuân thủ. “Tôi đề nghị xác định rõ thời hạn hoàn thành bãi bỏ 1/3 đến 1/2 quy định hiện có về ĐKKD trong quý II-2018 với các bộ đã thực hiện rà soát. Với các bộ, ngành chưa rà soát thì cũng phải hoàn tất việc này trước tháng 3-2018 để hoàn thành soạn thảo nghị định về bãi bỏ các ĐKKD không còn cần thiết trước trong quý II-2018”, ông Cung đề xuất.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng đề xuất phương án công khai các bộ, ngành chậm tiến độ để có thêm áp lực từ thị trường, công luận. “Lúc này, môi trường kinh doanh cần sự thay đổi đồng bộ và đồng tốc”, ông Cung nhấn mạnh.