Ít ai ngờ, đồng tiền “ảo” bitcoin lại tăng giá một cách nhanh chóng như thời gian qua. Từ mức giá vài “xen” trong nhiều năm đến mốc 800 USD/đồng vào đầu năm 2017, chưa đầy một năm sau, đồng tiền “ảo” này đã tăng giá đến hơn 20 lần, đạt mức giá khoảng 17 nghìn USD/đồng vào ngày 8-12 vừa qua. Mức lợi nhuận rất cao đã hấp dẫn nhiều người lao vào đầu tư bitcoin mà chẳng quan tâm tìm hiểu đó là gì và thật sự điều gì đang diễn ra.
Thực tế, ngay từ khi giá bitcoin còn ở mức vài nghìn USD/đồng và tiếp tục đà tăng, nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế và trong nước đã cảnh báo đây có thể là một “bong bóng” đầu cơ nguy hiểm và là thứ hết sức độc hại đối với nhà đầu tư. Nguyên nhân được cho là bitcoin không có giá trị kinh tế thực chất, nhưng quá trình tăng giá theo chiều thẳng đứng, rõ ràng đang bị “thổi giá” và quả “bong bóng” này chắc chắn sẽ vỡ nếu đầu cơ quá đà và khi đó, người chịu thiệt hại lớn nhất chính là các nhà đầu tư cuối cùng.
Thực tế cũng chứng minh cảnh báo của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở. Trong lúc tất cả đều kỳ vọng bitcoin sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 20 nghìn USD/đồng, thậm chí có dự báo sẽ tăng đến 100 nghìn USD/đồng trong năm tới, giá đồng tiền “ảo” này lại đột ngột tụt dốc, giảm xuống chỉ còn 13.500 USD/đồng vào ngày 10-12 vừa qua. Tiếp tục đạt “đỉnh” mới hơn 19.500 USD/đồng sau bảy ngày, giá bitcoin một lần nữa sụt thê thảm và hiện được giao dịch trong khoảng 13 nghìn USD/đồng. Ngoài ra, hiện tượng “thổi giá” cũng không phải là rủi ro duy nhất đối với nhà đầu tư bitcoin, bởi lịch sử đồng tiền này cho thấy đã được sử dụng cho nhiều mục đích xấu như rửa tiền, giao dịch “đen”,... cho nên khả năng bị cấm hoàn toàn ở các nước là rất lớn. Khi đó, thay vì là công cụ đầu cơ đơn thuần, không hề mang giá trị thực chất, giá bitcoin sẽ ngay lập tức có thể tụt về mức 0 và nhà đầu tư coi như mất trắng số tiền đã đầu tư. Bên cạnh đó, vì là tiền “ảo”, dựa trên thuật toán máy tính, vì thế, tin tặc có thể "móc túi" người sở hữu bitcoin bất cứ lúc nào.
Tại Việt Nam, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung hay bitcoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, việc sở hữu, giao dịch hoặc trao đổi tiền ảo mặc dù không được pháp luật bảo vệ, nhưng cũng chưa bị “tuýt còi”. Do đó, trước lợi nhuận quá lớn do bitcoin mang lại, hoàn toàn dễ hiểu khi số người quan tâm đến bitcoin tại Việt Nam ngày càng tăng mạnh theo cấp số nhân. Một số diễn đàn như Bitconnect Việt đã có thêm 10 nghìn người tham gia chỉ trong vài tuần gần đây. Cùng với đó, phong trào “đào” bitcoin cũng nở rộ khi trong 10 tháng năm nay, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tờ khai nhập khẩu gần 1.500 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin và litecoin. Thậm chí, không chỉ trong nước, nhiều người còn lập các trang trại (farm) “đào” bitcoin ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, lượng điện năng được sử dụng để “đào” bitcoin trong năm nay còn cao hơn cả nhu cầu sử dụng của khoảng 160 quốc gia trên thế giới, cho thấy việc “đào” bitcoin tiêu tốn điện năng lớn như thế nào. Nhất là ở Việt Nam, khi giá điện vẫn do Nhà nước quản lý và chưa hoàn toàn theo thị trường thì việc đào bitcoin chính là hành vi lợi dụng chính sách an sinh xã hội để kiếm tiền bất hợp pháp.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh số người tham gia đầu tư hay “đào” bitcoin ngày càng tăng, Nhà nước và các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng đưa ra khung chính sách quản lý nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình thực tế, giảm rủi ro và tác động tiêu cực do đồng tiền “ảo” này mang lại, đồng thời tránh xảy ra biến động và thiệt hại quá lớn khi “bong bóng” vỡ.