Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính tại Việt Nam trong năm 2017 có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân; trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76% (411.600 ca). Đặc biệt, theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% (năm 1976) xuống còn 19,8% (năm 2010) thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% (năm 1976) lên tới 71,6% (năm 2010).
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện các bệnh không lây nhiễm (như: đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp, bệnh tim mạch) đang có chiều hướng gia tăng. Hầu hết các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (gồm: hút thuốc, thừa cân, tăng huyết áp, ăn ít rau/trái cây và thiếu hoạt động thể lực) có xu hướng tăng nhanh. Kết quả điều tra quốc gia về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy: 57,2% số người ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày; 43,8% số người đang uống rượu bia; 22,5% số người trên 15 tuổi hiện có hút thuốc; 28,12% số người thiếu hoạt động thể lực dưới 150 phút hoạt động cường độ trung bình/tuần hoặc tương đương...
Đặc biệt, tỷ lệ người thường xuyên và luôn luôn ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối là 10% (9,4g/ngày gấp hai lần so với khuyến nghị 5g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới). Ăn nhiều muối dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư dạ dày, sỏi thận...
Để cải thiện tình trạng trên, mục tiêu của Chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 là giảm thiểu các hành vi nguy cơ gây mắc bệnh; nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm... Trong đó, giải pháp can thiệp truyền thông về dinh dưỡng tập trung vào hướng dẫn cho cộng đồng về dinh dưỡng hợp lý; khuyến cáo giảm tiêu thụ muối, kiểm soát cân nặng; dinh dưỡng chất béo hợp lý; giảm tiêu thụ đường tinh chế; tăng tiêu thụ rau quả; sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm...