Những năm gần đây, du khách đến tham quan, du lịch ở các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, đặc biệt là những nơi có hệ sinh thái đặc trưng như Đà Lạt, Sa Pa, Lý Sơn tăng mạnh.
Chính việc này đã kéo theo dịch vụ kinh doanh lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn, nhà của người dân bản địa (homestay) trở nên khá sôi động. Ngoài việc tăng khả năng lựa chọn theo nhu cầu cho khách du lịch, việc phát triển đa dạng nhưng thiếu sự quan tâm quản lý kịp thời của ngành chức năng đã dẫn đến những hệ lụy, cần thiết phải chấn chỉnh kịp thời.
Cuối tháng 12 vừa qua, TP Đà Lạt đã tổ chức Festival Hoa từ ngày 23 đến 27. Lễ hội hoa lớn được tổ chức định kỳ hai năm một lần trong những năm gần đây tiếp tục thu hút một lượng lớn khách du lịch về với thành phố ngàn hoa, tăng thêm sức mua cho ngành kinh doanh du lịch. Với tâm lý sợ thiếu chỗ ở như những mùa du lịch trước, chị Trần Thị Thu Trang đã gọi điện đến homestay được bạn bè đã từng lưu trú giới thiệu để đặt phòng trước cho gia đình. Với mức giá được báo tăng hơn so với ngày thường, chị Trang vẫn đồng ý đặt cọc, bởi chị được chủ nhà cho biết, đây là mức giá đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cho phép tăng từ trước. Chị Trang chia sẻ: "Thật sự ở homestay tuy không có dịch vụ cao cấp nhưng chúng tôi thấy rất thoải mái, giá lại rẻ hơn so với khách sạn. Với mức giá bỏ ra, chúng tôi thấy hài lòng, kể cả cách phục vụ bình dân mà thân thiện, chu đáo của chủ nhà. Hơn nữa, thời gian nhận trả phòng ở đây rất tốt, chúng tôi tới lúc ba giờ sáng vẫn được nhận phòng ngay, ở tới cuối ngày mới trả phòng mà không bị tính phụ thu".
Không như chị Trang, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh lại bị một khách sạn loại nhỏ phụ thu gần bằng mức thu chính. "Cái dở của chúng tôi là không hỏi kỹ giá phụ thu, mà có hỏi thì cũng phải chấp nhận vì lúc đó các cháu đều rất mệt mỏi, cần nghỉ ngơi. Hôm về thì gia đình kẹt trong khu du lịch nên bị trễ, các cháu nhỏ lại cần ngủ nên chúng tôi lưu trú thêm ba tiếng trong phòng. Đến khi trả phòng, cả gia đình té ngửa vì số tiền phụ thu bị tính thêm hai ngày, vị chi gần bằng số tiền thuê chính. Có lẽ sau này, chúng tôi cũng ra homestay để chi phí hợp lý hơn" - anh Tuấn Anh nói. Thực tế, không riêng gì Đà Lạt, mà các điểm du lịch khác cũng bắt đầu có sự "lấn sân" mạnh mẽ của loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay với các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống. Với lợi thế không loại hình truyền thống nào có được, homestay đang nở rộ tại các địa chỉ du lịch nổi tiếng, tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực hình thức lưu trú này cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Anh Nguyên Phú, một quản lý homestay ở Đà Lạt nhận xét, do không có quy định nên ở Đà Lạt bây giờ, homestay mọc lên như nấm, bất kỳ nhà ở như thế nào, chỉ cần sửa chữa đôi chút, có giường đệm là thành homestay. Anh Thái Hiếu - một quản lý khách sạn khác cho biết, mới đây, giới kinh doanh du lịch xôn xao với chủ trương hạn chế du lịch giá rẻ của địa phương. Với động thái thu hút đầu tư du lịch hạng sang vào Đà Lạt, có vẻ loại hình homestay chuẩn bị lãnh "trái đắng", kèm theo đó, tour giá rẻ cũng ảnh hưởng. Hiện đã có kiến nghị của các chủ khách sạn, nhà nghỉ với cơ quan chức năng về sự lộn xộn trong loại hình kinh doanh homestay. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết: Những năm gần đây, cùng với những nỗ lực của chính quyền các cấp, du lịch Đà Lạt đã có nhiều thay đổi vượt bậc, đủ năng lực hấp thụ một lượng khách khổng lồ đổ dồn về đây trong những khoảng thời gian cục bộ. Việc kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ nói chung hiện vẫn được thành phố và tỉnh quản lý theo hướng chặt chẽ, tuy nhiên vẫn không tránh được những phát sinh mới từ thực tiễn mà quy định chưa theo kịp. Ở Lâm Đồng, việc xếp hạng các khách sạn trên địa bàn tỉnh lại do Trung ương làm, trong khi chính quyền ở đây thực tế biết cơ sở nào xứng đáng với hạng nào lại không được quyền quyết định - đó là một bất cập lớn...
Chấn chỉnh tình trạng kinh doanh dịch vụ lưu trú, giảm bớt xung đột giữa quyền lợi khách hàng và chủ cơ sở kinh doanh cũng như giữa các loại hình dịch vụ với nhau là việc cần phải làm ngay tại các địa chỉ du lịch, như Đà Lạt là một thí dụ điển hình. Gần đây, để chấn chỉnh quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch tại các địa phương, tập trung vào những khách sạn từ ba đến năm sao. Chính Tổng cục Du lịch cũng nhận thấy, trong giai đoạn 2010 - 2015, số khách sạn và số phòng nghỉ cao cấp từ ba đến năm sao sau khi được xếp hạng đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng dịch vụ, một số cơ sở lưu trú không bảo đảm vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu chuyên nghiệp, thái độ ứng xử với du khách thiếu lễ phép, thân thiện.
Tuy nhiên, việc rà soát này lại thiếu loại hình mới nở rộ là homestay. Tại các điểm du lịch, nhiều homestay không phép, hay được xây dựng trên đất nông nghiệp một cách tràn lan, để hút khách đã không ngần ngại phá giá thị trường... nhưng chưa có động thái nào từ phía chính quyền để chấn chỉnh. Việc chậm trễ này không chỉ làm náo loạn thị trường lưu trú mà còn sinh ra nhiều hệ lụy, như việc cò lôi kéo khách, hay "cuộc chiến ngầm" giữa các loại hình với nhau.