Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, sau khi đánh giá những mặt được của công tác tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: "Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý...".
Có thể nói, sự thừa nhận đó phản ánh một tình trạng có thật. Tuy chưa có đủ số liệu để soi chiếu nhưng có thể nói rằng không có ngân sách nước nào gánh nổi bộ máy hành chính cồng kềnh như Việt Nam. Mà thực chất ngân sách chính là tiền thuế của dân.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số này lên tới 11 triệu người”.
Hồi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã hoàn thành một nghiên cứu tập trung vào vấn đề chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn tỷ đồng đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi ngân sách nhà nước ước vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của VEPR cho biết, ở một địa phương, chi thường xuyên của các tổ chức quần chúng công lên đến 90% tổng chi, chỉ 10% là chi cho các hoạt động thực tế. Chi thường xuyên tăng với tốc độ chóng mặt, trung bình lên tới 19,6% trong giai đoạn 2003-2015. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) đã tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên đến 80% theo ước tính lần đầu của ngân sách 2015.
Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ ngày 21/11/2016, thì có đến hơn 6,5 triệu (chưa tính khối quân đội, công an) với tổng quỹ lương lên đến khoảng 295.000 tỷ đồng. Ở địa phương, tạm lấy thí dụ tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh Bắc Trung bộ có 5.971 thôn, bản, tổ dân phố; trung bình mỗi thôn, bản có 162 hộ, 628 nhân khẩu nhưng hiện có 12.155 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 32.520 người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, bản, tổ dân phố. Ở cấp xã có tổ chức gì thì cấp thôn, bản có tổ chức đó, nên một số hội hoạt động lúng túng, việc quản lý điều hành, phân công nhiệm vụ không rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến hiện tượng cùng một việc giống nhau, nhiều tổ chức tham gia. Cá biệt, có tổ chức lập ra rất hình thức và máy móc, như trường hợp xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc), không có đất sản xuất nông nghiệp, người dân chỉ làm nghề đi biển cũng thành lập hội nông dân, hội làm vườn(?!).
Trước thực trạng nêu trên, mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phê duyệt Ðề án do UBND tỉnh trình về việc sáp nhập các thôn, bản để nâng cao hiệu quả hoạt động giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, bản, tổ dân phố (hơn 20% so với hiện nay) và tinh gọn bộ máy (giảm khoảng 7.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tiết kiệm chi ngân sách mỗi năm hơn 90 tỷ đồng.
Không phải lâu nay Đảng và Nhà nước ta không biết rằng bộ máy tổ chức của chúng ta ngày càng phình to đến mức quá sức chịu đựng, nhưng sau hơn 30 năm đổi mới chuyện này mới được đặt ra vì chúng ta biết rằng đây là một việc rất khó. Có thể nói như một cuộc cách mạng, đã tiến hành chỉ có thể thành công, nếu không thành công, có thể ảnh hưởng đến an nguy của chế độ, của Đảng, như kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới đã chỉ rõ.
Trong lịch sử bộ máy hành chính (trong đó có hệ thống chính trị) đã nhiều lần được chỉnh đốn. Tuy nhiên, qua thực tế việc tinh gọn bộ máy không những không giảm mà ngược lại, số đầu mối đơn vị hành chính có xu hướng tăng lên do các bộ, ngành bổ sung theo yêu cầu dù đầu mối cấp ban, bộ có giảm. Theo số liệu của Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 9/2017, trong 5 năm 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, như Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Y tế tăng 3 cục...Số lượng lãnh đạo cấp bộ cũng tăng, số lượng cán bộ quản lý cấp cục cũng vượt quá quy định, số lượng cấp phòng tăng rất nhanh. Nếu chỉ tính cán bộ cấp phòng của các cơ quan, ban, bộ thì số công chức cấp phòng trở lên (gồm cả người có chức vụ "hàm") cũng đã tăng từ 12.216 người lên 13.556 người, cấp vụ tăng từ 3.871 người lên 4.619 người...Như vậy, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị dù đã ban hành nhưng số biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người.
Vậy biên chế ngày một phình to nhưng kém hiệu quả do đâu? Có thể đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng người viết bài này cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, có thể thấy, quyền lực là một quyền lợi thiết yếu của con người, bằng mọi cách để leo lên chức quyền, quyền lực cao hơn, giữ ghế ngồi và tìm cách lợi dụng chỗ ngồi để có lợi cho mình đã sinh ra nhiều "mưu ma chước quỉ" như tham nhũng, che giấu năng lực, lười nhác, đưa thêm nhiều con em, người thân vào bộ máy tổ chức... Trong những thủ đoạn này, tham nhũng về tổ chức là các tham nhũng an toàn, ít bị phát hiện nhất. Bên cạnh đó là hiện tượng chấn chỉnh tổ chức, tinh giản bộ máy theo kiểu hình thức, chiếu lệ mà không chú ý tới năng lực cán bộ; không áp dụng tác phong mới, công nghệ mới để cải tiến công việc nhắm mắt làm theo tổ chức cũ, mô hình cũ, miễn đừng ảnh hưởng tới mình. Hiện tượng nể nang, "đá bóng bật tường" hai bên cùng có lợi, tranh thủ kiếm chác từ biên chế, tổ chức.
Một cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai hiệu quả sẽ trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho sự đồng bộ của đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Đương nhiên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi có những điểm chưa hoàn hảo, cần chỉnh sửa dần, nhưng đó vẫn là điều tất yếu phải làm, vì chậm tinh giản bộ máy chính là chúng ta tự gây khó chính mình./.