Giải quyết việc làm cho trên 1,63 triệu người,

15:27, 17/01/2018

Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018 với 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Trong năm vừa qua ngành LĐTBXH đã tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong cả nước, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35%; giải quyết việc làm cho trên 1,63 triệu người, đạt 102,48% kế hoạch… Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước.

Riêng Thái Nguyên, năm 2017 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 21,4 nghìn lao động, đạt gần 143%; giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,21% xuống còn 9%; tổ chức tốt công tác quản lý, thực hiện chính sách đối với trên 130 nghìn người có công; tuyển sinh và đào tạo cho gần 36,7 nghìn người, đạt 122,3%...

Năm 2018, toàn ngành LĐTBXH phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả ngành LĐTBXH đạt được trong năm 2017, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành cần tập trung các nội dung trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật liên quan đến ngành; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; xã hội hóa mạnh mẽ công tác đào tạo nghề, chuyển mạnh từ cấp kinh phí ngân sách sang cơ chế đặt hàng đào tạo nghề; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của đất nước; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; quan tâm đặc biệt đến người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cô đơn không nơi nương tựa thông qua việc triển khai chính sách và xã hội.