Năm 2017, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương.
Hơn 100 nghìn doanh nghiệp nợ BHXH của khoảng hai triệu lao động với số tiền lên tới gần 6.000 tỷ đồng, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội. Để bảo đảm quyền lợi người lao động, từ ngày 1-1-2018, hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Những chế tài này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay...
Nhiều chế tài nhưng chưa hiệu quả...
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-6-2016, cơ quan BHXH chính thức được giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH của các doanh nghiệp. Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) Trần Ðức Long cho biết, ngành BHXH đã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay tối đa là 75 triệu đồng và mức xử phạt với tổ chức, đơn vị gấp hai lần là 150 triệu đồng cũng không đủ sức răn đe. Thực trạng nợ, trốn đóng BHXH lớn hơn nhiều so với những con số được phát hiện. Một trong những nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp, cho nên việc chiếm dụng quỹ BHXH cũng như trốn đóng xảy ra khá thường xuyên.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, năm 2017, ngành BHXH tổ chức hơn 6.000 cuộc thanh tra chuyên ngành và liên ngành thu BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra đối với hơn 3.000 doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trên phạm vi toàn quốc; tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tại 4.350 đơn vị. Qua đó, truy thu trốn đóng 66 tỷ đồng, truy thu đóng thiếu mức hơn 31 tỷ đồng, truy thu do chậm đóng gần 1.000 tỷ đồng; ra quyết định xử phạt gần sáu tỷ đồng và thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH cho thấy, mặc dù đã có quy định nhưng để áp dụng trong thực tiễn không dễ dàng. Từ 1-1-2016, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, tổ chức công đoàn được giao nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH, tuy nhiên thực tế triển khai vẫn còn bất cập, việc khởi kiện gặp rất nhiều khó khăn.
Ðến nay, riêng cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ nợ BHXH. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương 16% tổng số nợ, số vụ. Các vụ còn lại, tòa án trả lại hồ sơ vì chưa đúng quy trình khởi kiện, trong đó chủ yếu là do thiếu quyết định xử phạt hành chính...
Kỳ vọng vào "chế tài" đủ mạnh
Thực tế cho thấy, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH vẫn đang diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, trong khi đó, việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người lao động, xử lý các khoản nợ BHXH này dường như vẫn chưa có phương án giải quyết thỏa đáng. Từ thực tế đáng lo ngại đó mà việc hình sự hóa và áp dụng các chế tài hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm từ đầu năm 2018 đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của dư luận, nhưng đồng thời cũng đặt ra một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể, bên cạnh quy định các chế tài xử lý đối với tội gian lận BHXH, BHTN (Ðiều 214); tội gian lận BHYT (Ðiều 215), Bộ luật Hình sự đã quy định rõ hình phạt đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Ðiều 216).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, việc xử lý hình sự các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình đẳng trước pháp luật. "Các doanh nghiệp cần làm tròn nghĩa vụ của mình. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Một doanh nghiệp trốn đóng BHXH chứng tỏ mối quan hệ với người lao động không tốt và không tạo niềm tin để người lao động muốn đóng góp, xây dựng, phát triển doanh nghiệp", đồng chí Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, hành vi vi phạm trốn đóng bảo hiểm cho người lao động có thể bị phạt tù đến bảy năm, đây được coi là mức xử phạt khá nghiêm khắc. Trong thực tế, có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ trốn đóng BH, nhưng cũng có những doanh nghiệp do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi biết đến quy định này đã rất quan tâm việc nếu đang nợ đọng từ sáu tháng trở lên trong thời gian qua có bị áp dụng xử phạt ngay không và liệu cơ quan bảo hiểm xã hội có lộ trình cho các doanh nghiệp có thời gian "gỡ nợ"? Ðiều đáng suy nghĩ là tính tuân thủ pháp luật hiện nay rất thấp. Quy trình thực hiện pháp luật cũng cần tính toán khi tổ chức triển khai thực hiện pháp luật của chúng ta rất có vấn đề. Cần phân tích kỹ thế nào là trốn đóng, trục lợi, hành vi nào xử lý hành chính, hình sự để tránh tạo sức ép đối với doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không, vẫn hoạt động bình thường hay cố tình trốn đóng mà mức xử phạt sẽ khác nhau. Những đơn vị thật sự khó khăn thì theo quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý địa phương xác định doanh nghiệp thật sự khó khăn thì được tạm dừng đóng. Tuy nhiên, cũng cần phải lường trước đến tình huống doanh nghiệp sẽ tìm cách để lách luật và gây khó khăn trong quá trình áp dụng các hình thức xử phạt. Theo Phó Tổng Giám đốc Trần Ðình Liệu, cơ quan BHXH sẽ chuẩn bị hồ sơ ban đầu cho các cơ quan pháp luật một cách chu đáo, đầy đủ và có sự phối hợp chặt chẽ hơn, nhất là cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan pháp luật...
Có thể thấy, so với các chế tài hành chính, hình phạt đối với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT theo Bộ luật Hình sự là hết sức nghiêm khắc, được kỳ vọng đủ sức răn đe, tăng cường tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, góp phần thực hiện nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT. Song các cơ quan chức năng cần sớm có những hướng dẫn chi tiết hơn, để những quy định này có thể áp dụng trong thực tế.