Tăng cường phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm dịp Tết

08:24, 23/01/2018

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh cúm A(H7N9) vẫn xảy ra ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, bệnh dịch cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) vẫn xảy ra trên gia cầm tại nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người.

Bộ Y tế khuyến cáo, thời tiết mùa đông - xuân phức tạp cùng sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018 sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2018, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả không để bùng phát dịch bệnh tại địa phương.

Theo đó, UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, xâm nhập, dịch bệnh mùa đông xuân, các bệnh hay gặp trong dịp Tết, lễ hội; tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời thông báo cho ngành y tế để có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng virus cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

Sở Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép; không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm.

Các tỉnh cũng sẽ tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn các dịch bệnh.

Đề phòng cúm mùa

Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, trong 10 năm gần đây, Việt Nam ghi nhận khoảng từ 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm/năm. Nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Theo các chuyên gia, từ cuối tháng 12, thời tiết liên tục đón nhận các đợt rét, có mưa và sương mù, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus dễ dàng phát triển. Trẻ em có sức đề kháng kém hơn nên là đối tượng dễ mắc bệnh, đặc biệt là cúm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hai tuần đầu tháng 1-2018, có hơn 300 ca mắc cúm đến khám. Trong số đó, hơn 100 bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Hai tuần qua, số trẻ bị cúm phải nhập viện điều trị tăng cao do mắc một số chủng cúm nặng hoặc mắc cúm trên nền bệnh khác. Có nhiều trẻ hay bị viêm đường hô hấp nên khi mắc cúm sẽ bị nặng, điển hình là viêm phổi.

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, số trẻ đến khám tăng cao hơn ngày thường là 10% và trung bình mỗi ngày có đến 10 bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì cúm A.

Bác sĩ Đặng Quang Nhật, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, cúm không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh có thể theo dõi, điều trị tại nhà bằng cách hạ sốt; thường xuyên vệ sinh đường hô hấp trên. Gia đình tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh. Nếu có biểu hiện bất thường, trẻ cần được đưa tới cơ sở y tế thăm khám vì cúm biến chứng có thể dễ dẫn đến các bệnh lý khác.