Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng thuế thuốc lá từ năm 2020 nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh - thiếu niên, qua đó giảm bệnh tật và tử vong. Giải pháp này được coi là có lợi đôi đường, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách.
Thuốc lá ở Việt Nam: Giá rẻ, tiêu thụ cao
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, mức thuế thuốc lá ở nước ta hiện thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và khu vực. Theo các quy định pháp luật về thuế hiện hành của Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá có thuế suất bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là mức thuế trong giá bán lẻ, tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả VAT) chỉ chiếm khoảng 35% giá bán lẻ. Con số này ít hơn nhiều so với con số trung bình thế giới là 58,6%, thấp hơn đa số các nước ASEAN và rất xa so với khuyến cáo của WHO.
Nhờ mức thuế thấp, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại rẻ trong khu vực và trên thế giới. Theo Báo cáo kiểm soát thuốc lá toàn cầu năm 2015, giá trung bình một bao thuốc lá 20 điếu nhãn phổ biến nhất tính theo USD ở Việt Nam chỉ khoảng 1,071 USD, thấp hơn cả Lào và Campuchia, cũng như nhiều nước còn lại trong khu vực ASEAN.
Giá thấp làm tăng sức mua thuốc lá của người Việt. Riêng ba năm gần đây, số lượng thuốc tiêu dùng trong nước luôn dao động từ 3,56 tỷ đến gần 3,8 tỷ bao mỗi năm. Riêng năm 2016, sản lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước là hơn 3,78 tỷ bao. Do thu nhập tăng nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá, sức mua thuốc lá của người dân đã tăng lên nhiều trong những năm qua. Từ năm 2015 đến 2016, thu nhập danh nghĩa theo đầu người đã tăng gấp 4,7 lần, giá thuốc lá chỉ tăng gấp 2,2 lần.
Đáng lo ngại, giá thuốc lá được đánh giá ở mức rẻ và chấp nhận được đối với thanh niên, khi, 43% thanh - thiếu niên ở độ tuổi 13-17 ở thành thị và 33% ở nông thôn đồng tình nhận định này. Đây là kết quả từ một khảo sát mới nhất của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam và Đại học Thương mại tiến hành năm 2017. Điều này cũng tạo nên một ngịch lý “thuốc lá rẻ hơn sữa”, khi một bao thuốc có giá trung bình 11,8 nghìn đồng, trong khi giá sữa trung bình 30 nghìn một lít. Dễ hiểu vì sao thuốc lá giá rẻ vẫn thu hút người dùng.
Một thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam có 15,6 triệu người hơn 15 tuổi hiện đang hút thuốc lá, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và đứng thứ chín trên thế giới về số người hút thuốc cao nhất.
Tổn thất do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam không hề nhỏ, với hơn 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm; thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hơn 24,6 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Số ca tử vong có thể tăng lên 70 nghìn ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.
Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam từ 45,3% của năm 2015 xuống còn 39%.
Dù khá khiêm tốn, nhưng con số này cũng khó khả thi trong thực tế do nhiều nguyên nhân, trong đó, giá thuốc lá thấp cũng là một rào cản. Bên cạnh đó, quy định bán thuốc lá tràn lan cho bất kỳ đối tượng nào, khiến tỷ lệ người hút thuốc lá không những giảm mà còn tăng trong vài năm gần đây.
Trước thực trạng này, nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, Bộ Tài chính đã biên soạn dự thảo “Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyênđể lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân. Dự thảo Luật đề xuất, từ ngày 1-1-2020 sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà.
Lợi cả về tài chính và y tế
Đó là khẳng định của bà Bungon Ritthiphakdee, Giám đốc điều hành, Liên minh Phòng, chống tác hại của thuốc lá Đông - Nam Á (SEATCA). Bà Bungon nhấn mạnh, tăng thuế thuốc lá thường tạo ra thu nhập khổng lồ và giảm tỷ lệ hút thuốc lá, điều này đến từ kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể, với Thái-lan, lợi ích tài chính từ chính sách thuế thuốc lá thực hiện từ năm 1994 đến 2013 rất đáng kể. Thu bình quân từ thuế tính từ năm 1993 tăng thêm mỗi năm khoảng 730 triệu USD. Tổng thu thuế tăng trong giai đoạn này đạt khoảng 14,6 tỷ USD.
Hoặc với Philippines, trong năm đầu tiên cải cách thuế, doanh thu thuế tăng hơn 100% và doanh số bán thuốc lá giảm 17%. Cải cách chính sách thuế thuốc lá Philippines đã hình thành cơ cấu thuế thống nhất và thuế suất liên hệ với lạm phát năm 2017. Từ đó, huy động thêm hàng loạt nguồn lực dành cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Cụ thể, số gia đình nghèo vào danh sách bảo hiểm y tế Philhealth tăng đáng kể, từ 4,2 triệu gia đình vào năm 2013 lên tới 14,1 triệu gia đình vào năm 2014.
Theo ước tính của WHO và Ngân hàng Thế giới, khi tăng thuế thuốc lá để giá tăng 10%, sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển; 5% ở các nước đang phát triển. Với đối tượng người nghèo và lớp trẻ, tỷ lệ này sẽ giảm nhiều hơn. Mức tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ cùng tỷ lệ ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng tác động tích cực ngăn trẻ em bắt đầu hút thuốc.
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh, tăng thuế thuốc lá giúp đạt được lợi ích kép: tăng thu cho ngân sách, lợi cho sức khỏe cộng đồng. Rõ nhất là tình trạng giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật, tử vong do thuốc lá.
Tính toán của các chuyên gia từ Bộ Y tế và WHO, với phương án tăng thuế như dự thảo của Bộ Tài chính hiện nay áp dụng từ năm 2020, tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm khoảng 1,5% so với tỷ lệ hiện tại là 45,3%. Ước tính, mức tăng thuế như trên sẽ mang lại nguồn thu từ thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 3.900 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời sẽ giảm khoảng 180 nghìn người hút thuốc, giúp tránh được 90 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống 39% vào năm 2020, các chuyên gia của WHO ước tính, thuế thuốc lá cần tăng đủ cao để có thể tác động làm giảm 3% tỷ lệ hút thuốc tới thời điểm đó. Theo đó, thuế thuốc lá cần tăng ở mức 2.000 đồng/bao. Cụ thể, từ ngày 1-1-2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao. Với lộ trình này, ước tính nguồn thu thuế của Chính phủ sẽ tăng thêm 6.300 tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, sẽ giảm được khoảng gần 600 nghìn người hút thuốc, và tránh được khoảng 300 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo về mức thuế tối ưu, áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở mức 5.000 đồng mỗi bao. Cụ thể, từ ngày 1-1-2020, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức thuế này, tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5% tuyệt đối, sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc, sẽ giúp tránh được 900 nghìn ca tử vong sớm trong tương lai. Doanh thu thuế của Chính phủ tăng thêm khoảng 10.700 tỷ đồng.