Năm 2017, du lịch Việt Nam đã ghi những dấu ấn chưa từng có trong lịch sử với kỷ lục khách quốc tế đến nước ta đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước. Du lịch đã góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác khởi sắc theo và đã góp phần quan trọng vào mục tiêu GDP chung cả nước.
Tăng trưởng ấn tượng
Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung hai năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Ngành du lịch cũng phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Tổng cục Du lịch cho rằng, nếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp những nước đứng đầu châu Á về du lịch như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia…trong tương lai gần.
Có thể nói kỳ tích này là kết quả của cả một quá trình cố gắng của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển du lịch. Trước hết, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 làm cơ sở để định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, Luật Du lịch 2017 cũng được Quốc hội thông qua với những nội dung ngắn gọn, đổi mới và hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển. Trong đó, đưa ra một số vấn đề đáng chú ý như: Việc xếp hạng khách sạn, những quy định về hướng dẫn viên, quỹ xúc tiến, điểm đến... Những đổi mới này không chỉ được xem là bước ngoặt giúp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong du lịch mà còn thể hiện sự thông thoáng, tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước và sự chủ động của doanh nghiệp trong kinh doanh.
Ngoài ra, năm qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư cơ sở lưu trú, nhất là ở phân khúc cao cấp với tầm nhìn của các nhà đầu tư chiến lược. Chỉ tính riêng năm 2017, có 106 cơ sở lưu trú phân khúc từ ba đến năm sao được công nhận. Tổng số cơ sở lưu trú trên cả nước tăng thêm hơn 1.000 cơ sở so với năm 2016, nâng tổng lượng buồng, phòng có thể phục vụ khách du lịch lên 508.000. Việc mở rộng quy mô cơ sở lưu trú, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm đã góp phần tăng khả năng tiếp nhận, phục vụ của du lịch Việt Nam.
Kết quả của ngành du lịch trong năm 2017 không chỉ thể hiện qua con số về lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt và doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng, mà còn từng bước xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Du lịch Việt Nam được các tổ chức uy tín quốc tế trao tặng những giải thưởng hết sức danh giá, như: Giải thưởng "Khách sạn nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới" trao cho Intecontinental Đà Nẵng, cùng nhiều giải thưởng lớn khác của quốc tế và khu vực đã bình chọn Việt Nam là một điểm đến du lịch có thương hiệu tại khu vực châu Á. Những giải thưởng này góp phần định vị thương hiệu và hình ảnh cho điểm đến Việt Nam với tư cách là một điểm đến có chất lượng.
Gỡ khó để tiếp tục bứt phá
Thành quả của ngành du lịch trong năm 2017 là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, du lịch nước nhà cần sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, mặc dù du lịch Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, nhưng so với những nước láng giềng thì vẫn còn thua kém rất nhiều. “Năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế và những tài nguyên tiềm năng chưa thực sự phát huy mặc dù dư địa phát triển còn nhiều. Chúng ta mới chỉ khai thác được ở giai đoạn mang tính chất khởi đầu và chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều” - Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho hay.
Du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức và những điểm nghẽn. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề về chính sách visa, quảng bá xúc tiến, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến…
Bên cạnh đó, còn có những hạn chế, yếu kém trong nội tại của ngành du lịch như: Công tác quản lý của ngành du lịch ở các cấp còn nhiều hạn chế; quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, vận chuyển khách trong năm 2017 còn yếu; sản phẩm du lịch Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, thiếu bản sắc, thiếu tính cạnh tranh, nên chưa thu hút được du khách lưu trú dài ngày hoặc quay trở lại. Phần lớn các sản phẩm du lịch hiện nay đều do tự doanh nghiệp làm mang tính tự phát nên còn trùng lặp, cũ kỹ, thiếu sự sáng tạo. Đây là những thách thức mà muốn vượt qua, cần tư duy đột phá của những người làm du lịch.
Trong năm 2018, ngành du lịch phấn đấu đạt mục tiêu đón gần 94 triệu lượt khách, trong đó, khoảng từ 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa nhiệm vụ nặng nề này, ngành du lịch cần tiếp tục cố gắng duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế và nội địa trong điều kiện bảo đảm sự ổn định về chính sách, an toàn, an ninh, môi trường.
Trong năm 2018, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các đề án: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Cơ cấu lại ngành Du lịch; triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2018.
Ngoài ra, ngành Du lịch cũng sẽ tăng cường hiệu lực quản lý tại các địa phương; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch; chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch và kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế qua các sự kiện hội chợ quốc tế./.