Lễ chùa bái Phật, cúng thánh thần… vào mỗi dịp đầu xuân năm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của nhiều người Việt. Tuy nhiên, từ những cảnh người đông như nêm, chen lấn để cướp lộc, tranh ấn… diễn ra ở các lễ hội, đền, chùa, miếu mạo… cho thấy vấn đề tín ngưỡng có chiều hướng thái quá là có thật.
Không biết từ bao giờ và khi nào, việc tổ chức đi lễ vào mỗi dịp đầu xuân năm mới đã hình thành như một cái lệ không thể thiếu đối với nhiều người, thậm chí với nhiều cơ quan, tổ chức… Những năm gần đây, như một trào lưu, người người, nhà nhà và không ít các tổ chức, cơ quan nhất nhất phải đi lễ đầu năm và tham dự lễ hội gần xa ở các đền to, phủ lớn…, những nơi mà theo truyền miệng, đồn thổi được cho là “linh thiêng” để lễ bái, cầu nguyện, xin lộc, xin ấn… hoặc dâng sao giải hạn, có như vậy mới an tâm cho sự khởi đầu của một năm mới.
Chắc hẳn không nhiều trường hợp ngoại lệ, vì mỗi người chúng ta cho dù ít nhiều cũng từng ở trong tâm thế như bao người đã và đang sinh hoạt trong cộng đồng với nhiều hoạt động tín ngưỡng phong phú ở nước ta. Nếu mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi là có hay không sự chủ động trong việc chúng ta đã đặt niềm tin quá lớn ở thánh, thần…, hay nói cách khác là niềm tin của con người đối với thế giới siêu nhiên là vô hạn (?!). Rất khó để giải đáp một cách rõ ràng, hơn nữa đó là vấn đề tâm linh, tôn giáo và tự do tín ngưỡng của mỗi người. Cứ như vậy, năm sau lại đông hơn năm trước, hàng vạn người lại đổ về các nơi thờ tự, đền chùa, lễ hội mỗi dịp Tết đến xuân về bất kể giàu - nghèo không còn như quan niệm của người xưa “Phú quý mới sinh lễ nghĩa”.
Người ta đặt niềm tin ở thánh thần để cầu danh lợi, tài lộc… thậm chí là làm sao để giải quyết được các mối thù hận, oan ức hay mong muốn thánh thần giúp triệt tiêu các đối thủ cạnh tranh trên mọi lĩnh vực đời sống mà họ đang phải đối diện…Nhiều bí mật thầm kín của không ít người được đem đến bày tỏ với thánh thần…, nói chung là để thỏa mãn mọi nhu cầu mà họ mong muốn. Có muôn vàn những mong muốn, cầu nguyện, “hỷ, nộ, ái, ố” được nhiều người kêu tấu với thánh thần ở các đền, chùa, miếu mạo có thể vô tình mà không ít người trong chúng ta đã nghe được ở đâu đó.
Muôn hình vạn trạng trong các hoạt động tín ngưỡng, nhất là các lễ hội trong dịp đầu xuân năm mới, ngoài những ý nghĩa truyền thống tốt đẹp mà các hoạt động tín ngưỡng lành mạnh mang lại thì còn không ít những nơi thờ tự, lễ hội có biểu hiện tiêu cực, biến tướng, thần thánh hóa các trò diễn xướng và thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng ngày càng có chiều hướng gia tăng. Người ta rải tiền vô tội vạ ở những nơi thờ tự, họ nghĩ đem tiền đến công đức để thánh thần phù hộ, che chở cho họ... ; nhét tiền vào tay tượng thờ, viết chữ, vẽ tên bừa bãi ở nơi thờ tự; tin vào bói toán, cúng thuê hay ngày càng nhiều ông đồng bà cốt tự coi mình như đại diện cho thánh thần để bói toán mê hoặc, hù dọa người đời đã xuất hiện ngang nhiên ở những nơi thờ tự mà không bị hạn chế, ngăn cấm.
Người ta dùng bùa chú hay đốt hình nhân thế mạng, dâng sao giải hạn…, đặc biệt là vấn đề đốt vàng mã, người ta cúng và đốt đủ thứ để cúng thánh thần…với quan niệm trần sao âm vậy. Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng vàng mã được đốt hằng năm ra sao, nhưng theo nhận định của một số nhà nghiên cứu thì đó là số tiền không hề nhỏ, nó có thể làm cho chúng ta không khỏi giật mình về một sự lãng phí quá lớn tiền của, có khi chỉ nhằm an ủi tâm lý cho người ta mà thôi.
Người ta đua nhau xây đền to, chùa lớn nguy nga như cung điện có giá trị hàng trăm tỷ đồng mà nguồn tài chính chủ yếu đến từ tiền công đức của thập phương cho thấy sự thành tín của đông đảo các tín đồ là rất lớn. Khó có thể phân tích một cách cặn kẽ hiện tượng này là tốt hay xấu nhưng người ta không khó để nhận biết đây là biểu hiện của một xã hội có chiều hướng nặng về duy tâm. Duy tâm không có gì là sai, nhưng duy tâm đến mức vô thức thì lại là vấn đề không nhỏ và rất dễ dẫn đến cuồng tín… Hiện tượng này đã mở ra xu hướng kinh doanh mới cho không ít nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng những quần thể tâm linh phức hợp. Trong phạm vi của bài viết, có thể chưa liệt kê đầy đủ những biểu hiện tín ngưỡng trong xã hội nhưng đã phản ánh phần nào bức tranh về các hoạt động tín ngưỡng ngày nay.
Trong giáo lý nhà Phật thì vạn vật trong tự nhiên không nằm ngoài quy luật “Nhân-quả”, không thánh thần nào có thể ban phát quá nhiều thứ mà con người cầu xin như tiền tài, địa vị, chức tước hoặc lấy đi những việc rủi ro (điều xấu)…mà con người không mong muốn xảy ra với họ. Có thể nói, đây là nhu cầu chính đáng của con người nhưng thánh thần lại không thể đáp ứng, bởi theo giáo lý nhà Phật thì “phúc-họa” (tốt-xấu) của mỗi người là do chính bản thân người ấy tu dưỡng trong quá khứ, hiện tại và cả ở tương lai. Đây chính là tư tưởng triết học, là giáo lý mà Phật giáo muốn mang đến cho con người, đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân-quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp chứ không do thánh thần quyết định.
Du lịch hành hương, du xuân lễ chùa bái Phật, cúng thánh thần…vào mỗi dịp lễ hội đầu xuân năm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của nhiều người Việt. Tuy nhiên, từ những cảnh người đông như nêm, chen lấn để cướp lộc, tranh ấn… diễn ra ở các lễ hội, đền, chùa, miếu mạo hay các hoạt động tín ngưỡng có màu sắc mê tín dị đoan cho thấy vấn đề tín ngưỡng có chiều hướng thái quá là có thật. Rất cần chính quyền các cấp nhìn nhận và đánh giá vấn đề này một cách khách quan để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt là nhận thức đúng đắn của các tổ chức tôn giáo, các nhà tu hành (tăng, ni, cư sĩ...) cũng như người dân là những người có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động tự do tín ngưỡng để các hoạt động này trở nên lành mạnh và văn minh hơn./.