Chính phủ rất mong muốn sớm có thương hiệu ô-tô trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng với ô-tô nhập khẩu cả về chất lượng, kiểu dáng, tính năng và giá thành. Và trên thực tế, đang có những doanh nghiệp Việt có chiến lược dài hơi để hiện thực hóa mục tiêu ấy.
Chạy rốt-đa 20 năm
Không phải đến thời điểm này, Chính phủ mới thể hiện quyết tâm muốn xây dựng ngành công nghiệp ô-tô trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, ngành vẫn chỉ loanh quanh ở vạch xuất phát bởi những nỗ lực bất thành trong gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Sau khi chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô Việt Nam năm 2002 thất bại hoàn toàn, chiến lược năm 2014 đã mang đến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) quá nhiều ưu đãi với kỳ vọng tạo đòn bẩy cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, cho đến hiện tại, nền công nghiệp ô-tô Việt Nam dựa trên trụ cột các FDI chỉ mất chứ không hề được.
Nhìn từ góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về lĩnh vực ô-tô phân tích, từ cách đây ba năm, các hãng xe lớn đã đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô ở Thái-lan và In-đô-nê-xi-a để nhắm vào thị trường Việt Nam. Vì thế, không khó hiểu khi các liên doanh ô-tô FDI muốn thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí đầu tư dây chuyền, nhân công, nhà xưởng, kho bãi... để chuyển qua nhập khẩu khi thuế suất về 0% kể từ năm 2018.
Điểm tính toán của họ là gia tăng lợi nhuận, tiết giảm đầu tư. Điều ấy phần nào thể hiện trong cuộc gặp giữa đại diện doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) với lãnh đạo một số bộ, ngành tại Văn phòng Chính phủ để trao đổi các kiến nghị liên quan đến Nghị định 116 trong ngày 26-2. Hàng loạt doanh nghiệp ô-tô FDI như liên doanh Toyota, Ford hay Honda chỉ lên tiếng đòi hỏi dỡ bỏ một số quy định của Nghị định trên nhằm dọn đường thông thoáng cho các mẫu ô-tô, đặc biệt được sản xuất tại Thái-lan, In-đô-nê-xi-a tràn vào Việt Nam, và gần như không đề cập đến việc đóng góp cho các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
Theo báo cáo kinh tế xã hội năm 2017 của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam, ngành công nghiệp có chỉ số giảm mạnh nhất trong năm 2017 của tỉnh này là ngành sản xuất ô-tô. Trong khi đó, tại Hải Dương, nơi đặt nhà máy của Ford Việt Nam, báo cáo thu ngân sách năm 2017 của Sở Tài chính tỉnh Hải Dương cho thấy, các khoản hụt thu nội địa lên đến 1.576 tỷ đồng, trong đó, thu từ các doanh nghiệp FDI chỉ đạt 3.569 tỷ đồng, hụt 1.431 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do Ford Việt Nam hiện chủ yếu tiêu thụ xe nhập khẩu, đồng nghĩa cơ cấu tiêu thụ xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu cũng thay đổi. Rõ ràng, một khi các chính sách ưu đãi không thỏa mãn mục tiêu, các doanh nghiệp FDI sẽ trở lại những “cứ điểm” đầu tư trước đó tại các nước Đông - Nam Á chứ không mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu muốn công nghiệp ô-tô Việt Nam không mãi loanh quanh chạy rốt-đa, thì không thể trông đợi ở các doanh nghiệp FDI được.
Thời điểm để tăng tốc
Đã từng có quan ngại, một khi thuế nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN xuống chỉ còn 0%, sản xuất ô-tô trong nước sẽ hoàn toàn bị “thất thủ” trước làn sóng ô-tô nhập khẩu Thái-lan, In-đô-nê-xi-a. Tuy nhiên, sau hai tháng đầu năm thị trường ghi nhận một sự chuyển động ngược với dự đoán trên. Lượng ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc dưới 9 chỗ không hề có sự đột phá đáng kể, trong khi đó, nhập khẩu linh kiện lại giữ ở mức ổn định so với cùng kỳ năm 2017. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp còn đang gấp rút triển khai nhiều kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, đưa thêm dây chuyền mới vào vận hành, hay gia tăng số lượng mẫu xe tại Việt Nam.
Lý giải cho thực tế này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, đó là bởi các doanh nghiệp sản xuất ô-tô vẫn giữ được “gia tốc” nhờ vào những quy định chặt chẽ của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường với ô-tô nhập khẩu. Quan điểm của Bộ Công thương khi đối thoại với các doanh nghiệp vẫn là Việt Nam có thể nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Lúc này, việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt không phải là chuyện xa vời nữa. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, thị trường ngày càng mở rộng. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu này, việc quan trọng đầu tiên là phải nâng cao năng lực sản xuất, tìm ra những doanh nghiệp đầu tàu, thực sự lớn mạnh trong khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, lắp ráp còn phân tán hiện nay.
Nếu lúc này không bứt phá, ngành công nghiệp ô-tô sẽ đứng trước nguy cơ không thể phát triển. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt cùng với các bộ, ngành tìm hiểu khó khăn của từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, từ đó có các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả. Quyết tâm của Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp ô-tô, từ đó tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Nếu phát triển công nghiệp ô-tô, sẽ tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần lớn cho tăng trưởng. Cùng với đó, công nghiệp ô-tô trong nước phát triển cũng sẽ giúp giảm nhập siêu, phát triển thị trường. Yêu cầu đặt ra là người dân phải được sử dụng ô-tô chất lượng tốt, an toàn, giá cả hợp lý.
Quản lý nhà nước sẽ phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các chính sách phát triển công nghiệp ô-tô, khuyến khích đầu tư, đi đôi với đó, không thể thiếu sự chủ động của đội ngũ doanh nghiệp trong nước nhằm rút ngắn thời gian làm chủ công nghệ, ưu tiên nguồn lực cho khâu nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm đẹp, chất lượng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cũng đã đến lúc, doanh nghiệp cần tính đến chiến lược phù hợp để hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra một số thị trường khu vực và quốc tế. Những cái tên kỳ cựu như Công ty Ô-tô Trường Hải, Thành Công hay mới mẻ nhất là Vinfast, đang cho thấy một tâm thế và vị thế mới của doanh nghiệp Việt trong cuộc cạnh tranh với những đối thủ tiếng tăm trên toàn cầu.