Hai tháng đầu năm 2018, ngành lúa gạo đón tin vui khi xuất khẩu tăng tới 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sau nhiều năm "lép vế", giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã vượt Thái Lan. Tuy nhiên, để đây không là câu chuyện ngắn hạn, vấn đề đặt ra lúc này là ngành Nông nghiệp phải có chiến lược gì để giữ vững và củng cố vị thế gạo "Made in Vietnam" trên thị trường quốc tế.
Gạo xuất khẩu tăng cả lượng và giá
Theo Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 861.000 tấn gạo, thu về 419 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần 26,9%, tiếp đó là Trung Quốc với 23,5% thị phần.
Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg. Cuối tháng 2-2018, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra), gieo cấy được 907.000ha lúa đông xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa mùa 2017, sắp cho thu hoạch đạt 570.585ha, chiếm 102,2% kế hoạch... Đây là nguồn lúa gạo hàng hóa tiềm năng cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt Thái Lan sau nhiều năm "lép vế".
Năm 2016, giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và đầu năm 2018 đã đạt 475 USD/tấn. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, Phó Cục trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định: Những năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và biết tạo dựng, khẳng định thương hiệu của mình. Ngoài ra, với chiến lược tái cơ cấu ngành lúa gạo, tập trung vào gạo chất lượng nên giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Trong năm 2017, 81% lượng xuất khẩu là gạo chất lượng cao. Dự kiến, năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, sự tăng trưởng của ngành lúa gạo trong 2 tháng đầu năm cho thấy việc tái cơ cấu trong sản xuất, chế biến gạo bước đầu thực hiện hiệu quả. Các doanh nghiệp và hộ sản xuất đã chú trọng đến gạo chất lượng cao, đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng tới 2030. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm sẽ giảm, còn khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị từ 2,2 đến 2,3 tỷ USD. Giai đoạn 2020-2030, sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị xuất khẩu sẽ đạt 2,3-2,5 tỷ USD.
Xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng chế biến
Mặc dù có sự chuyển dịch tích cực về giá song so với Thái Lan, khâu xây dựng thương hiệu và chế biến gạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhận thức được vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam, xây dựng bộ tiêu chí cho xuất khẩu gạo.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng: Việc xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, doanh nghiệp liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, thì đến năm 2012, Việt Nam đã đáp ứng được các đơn đặt hàng gạo chất lượng cao, gạo đồng nhất (chỉ 1 loại giống). Nhà nhập khẩu gạo các nước phải trả thêm từ 50 đến 80 USD cho mỗi tấn gạo đồng nhất. Các năm kế tiếp, loại gạo đồng nhất, thơm, sạch của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu đặt hàng, song các doanh nghiệp trong nước không đủ sản lượng để bán. Qua đó cho thấy, việc xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cho chế biến sẽ nâng cao được giá trị gạo Việt.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, năm 2017, Bộ tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông, lâm, thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”; xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực về chế biến nông sản xuất khẩu”. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô, tăng lượng sản phẩm chế biến. Riêng với lúa gạo, tỷ lệ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch được các doanh nghiệp đầu tư lớn...
Song hành nâng cao chất lượng, đổi mới sản xuất, Bộ NN&PTNT đang cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại các nước kết nối, tập trung giải quyết rào cản, nâng cao năng lực phân tích và dự báo cung - cầu; kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước, quảng bá mạnh mẽ gạo Việt Nam... nhằm thiết lập và hình thành thị trường tiêu thụ bền vững.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, sản lượng gạo toàn cầu hiện có xu hướng tăng mạnh, ở mức cao nhất trong 16 năm qua. Nhiều thương nhân nước ngoài đã trực tiếp tiếp cận doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam để đặt hàng. Ngoài các hợp đồng giữa các chính phủ, nhiều hợp đồng tư nhân cũng được ký kết. Đây có thể coi là cơ hội tốt, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng gạo "Made in Vietnam". Tuy nhiên, đó cũng là áp lực, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng sẽ dễ bị loại, thậm chí mất thị trường...
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, cơ cấu các loại gạo xuất khẩu có sự điều chỉnh. Cụ thể, đến năm 2020, sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%; gạo trắng cấp cao khoảng 25%; nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%; gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%...