Thách thức lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam

14:48, 26/03/2018

Từ ngày 2-8-2017, toàn bộ lô hàng cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã phải chịu sự kiểm soát của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Sau hơn nửa năm thực hiện, đến nay ngành hàng cá tra Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng để thích ứng những yêu cầu của FSIS.

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phục vụ việc đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm từ công đoạn nuôi đến chế biến các sản phẩm cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ. Để làm được những điều này, ngay từ tháng 8-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3379/QĐ-BNN-QLCL ngày 15-8-2017 về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với cá da trơn bộ Siluriformes xuất khẩu đi Hoa Kỳ (từ công đoạn nuôi đến chế biến, xuất khẩu). Ban hành hai văn bản hướng dẫn và tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất cá da trơn về việc tuân thủ các quy định liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đến nay đã có 5 trong số 10 doanh nghiệp được FSIS gỡ bỏ chế độ cảnh báo tại cửa khẩu, ngoài ra có ba doanh nghiệp được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) gửi giải trình cho FSIS, một doanh nghiệp thực hiện điều tra bổ sung, một doanh nghiệp ngừng hoạt động. Đáng chú ý là trong quá trình tiến hành kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cá tra trên các tiêu chí: nhóm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, ghi nhãn, truy xuất, làm vệ sinh phương tiện vận chuyển, giám sát trong quá trình vận chuyển thì đã có 13 cơ sở xin rút khỏi danh sách xuất khẩu vào Hoa Kỳ; một doanh nghiệp đăng ký bổ sung xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ.

Theo Tổng cục Thủy sản, việc sản phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã phải chịu sự kiểm soát của FSIS, bên cạnh những thách thức đặt ra thì đây cũng chính là một trong những mặt tích cực rất lớn từ chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ vì nó là cơ hội để chúng ta thanh lọc những cơ sở xuất khẩu chưa đủ điều kiện và khuyến khích các cơ sở có khả năng thực hiện các yêu cầu từ phía đối tác tham gia vào thị trường xuất khẩu, từ đó tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại ngành hàng này một cách bền vững.

Được biết ngày 28-2-2018, USDA đã có văn bản chính thức về kết quả đánh giá dựa trên văn bản pháp lý, tài liệu có liên quan mà phía Việt Nam cung cấp tương đương với quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang được áp dụng tại Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức đoàn đánh giá thực tế sự thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Rõ ràng nguồn gốc sản phẩm

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng: Dù chúng ta đã có những kết quả đáng kể trong việc thực hiện những yêu cầu từ phía FSIS về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng tới đây khi FSIS trực tiếp sang làm việc và thanh tra tại các vùng nuôi và cơ sở sản xuất, chế biến thì cũng cần lường trước những yêu cầu mới phát sinh. Vì vậy, các cơ sở nuôi cần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất (nhất là hóa chất xử lý môi trường như Zeolite, CuSO4) để ngăn ngừa nhiễm hóa chất cấm Malachite Green, Leucomalachite Green, Crystal Violet. Các doanh nghiệp chế biến thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của NAFIQAD tại Công văn số 1568/QLCL-CL1 ngày 31-8-2017 về việc triển khai Chương trình kiểm soát cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản; chủ động giám sát các cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Về phía các ngành chức năng tăng cường kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu; lấy mẫu nước, thức ăn và kiểm tra, xử lý vi phạm khi kết quả điều tra nguyên nhân lô hàng bị phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm có liên quan đến công đoạn nuôi.

Năm 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ giảm 11% so năm 2016. Năm 2018 được dự báo sẽ khó khăn hơn cho ngành hàng xuất khẩu này, khi mà nỗi lo về việc đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc vẫn còn đó, trong khi cá tra lại phải tiếp tục đối mặt với mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước tới nay do Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra mới đây sau kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra - basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016). Vì vậy, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 ở mức từ 2 đến 2,2 tỷ USD và chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả chuỗi nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu của ngành hàng này.