Ban tổ chức Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2018 khẳng định những doanh nghiệp “tai tiếng” - dù chưa có bất cứ kết luận pháp lý nào từ cơ quan chức năng - cũng sẽ không được “chấm” vào những vị trí cao trong các hạng mục giải thưởng năm nay.
Không có giải cao cho doanh nghiệp “tai tiếng”
Bên cạnh nội dung đánh giá Báo cáo thường niên và Báo cáo Phát triển bền vững, cuộc bình chọn năm nay sẽ thực hiện đánh giá sâu hơn tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp (DN) niêm yết với một bộ tiêu chí riêng. Qua đó khuyến khích DN áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty (QTCT).
Bộ tiêu chí này được xây dựng trên nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế của Việt Nam.
Ngoài nguồn thông tin từ báo cáo thường niên (BCTN), việc đánh giá các nội dung liên quan đến QTCT còn dựa trên các thông tin tin cậy mà công ty cung cấp rộng rãi ra công chúng trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 30/4/2018.
Do đó, theo ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách Hội đồng Quản trị Sở GDCK TPHCM, những vụ việc tai tiếng liên quan đến DN dù không can hệ trực tiếp nhưng cũng là yếu tố để hội đồng bình chọn cân nhắc, chắc chắn không thể đưa DN vào nhóm có thứ hạng cao, “mặc dù vụ việc ấy có thể chưa đi đến một kết luận pháp lý nào hoặc chưa gây ra bất cứ thiệt hại kinh tế nào có thể cân đo đong đếm, nhưng kể cả những câu chuyện liên quan đến hình ảnh hay đạo đức xã hội của DN cũng là yếu tố tác động đến quyết định cuối cùng của hội đồng bình chọn về giải thưởng”.
Xếp hạng tại ASEAN: Quản trị của doanh nghiệp Việt thuộc loại “làng nhàng”
Cuộc bình chọn DN niêm yết năm nay diễn ra trong bối cảnh chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam (Vn-Index) đã chạm mức đỉnh lịch sử 1.200 điểm và vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt 80% GDP.
Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ với 70 DN niêm yết được “chấm” tại Chương trình Thẻ điểm quản trị công ty của ASEAN năm ngoái thì Việt Nam lại là nước chỉ đạt điểm số thấp trong khu vực.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho mâu thuẫn này, như DN Việt không hiểu câu hỏi khảo sát nên trả lời… đại; hoặc đơn giản là cũng không mấy quan tâm đến các nội dung trả lời có điểm thưởng.
Tất nhiên, vẫn có một lý do sâu xa khác là chất lượng quản trị nói chung của DN niêm yết Việt Nam vẫn còn ở mức “làng nhàng”. Vì vậy, các nhà điều hành thị trường tin rằng chỉ có cách DN niêm yết Việt Nam phải cải thiện chất lượng quản trị công ty thì mới có thể nâng tầm mặt bằng chung của chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Đây là lý do năm nay, Hội đồng bình chọn sẽ tích hợp các tiêu chuẩn chấm điểm quản trị công ty của ASEAN vào nội dung chấm điểm quản trị công ty của Việt Nam.
Hiện cả thế giới có 60.000 tỷ USD tài sản đang được quản lý bởi nhiều tổ chức quản lý quỹ chuyên nghiệp. Và quyết định rót tiền của những tổ chức này đều tuân thủ các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc. Trong đó nổi bật nhất là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, trách nhiệm môi trường, trách nhiệm với xã hội và quản trị công ty. “Các DN niêm yết cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trên để những điều đó không phải là rào cản dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với DN”, ông Lê Hải Trà nhấn mạnh.
Đối tượng tham gia cuộc bình chọn DN niêm yết năm nay là các công ty niêm yết thuộc rổ chỉ số VNX Allshare, tức đến từ cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, nhằm tạo sân chơi bình đẳng hơn, để các DN nhỏ và vừa cũng có cơ hội tham gia cạnh tranh giải thưởng, các DN được chia thành 3 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ), thay vì cho “ngồi cùng mâm” với các “đại gia” như mọi năm.
Thời gian chấm sơ khảo và soát xét kết quả sơ khảo dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8; hoàn tất chấm chung khảo vào 15/9. Lễ công bố và vinh danh các DN đoạt giải dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10.
Bước sang năm thứ 11, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên hằng năm được đổi tên thành thành Cuộc bình chọn DN niêm yết bởi có nhiều nội dung đặc thù đã được phát triển thành giải thưởng riêng. Đây là cuộc bình chọn do Sở GDCK TPHCM, Sở GDCK Hà Nội cùng Báo Đầu tư tổ chức với sự tham gia của Big Four - 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới gồm Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC - trong vai trò nhà thẩm định độc lập, cùng sự hỗ trợ chuyên môn từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA).