Nhượng quyền thương hiệu không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền mà còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền.
Tạo cơ hội “2 chiều”
Nhượng quyền là quan hệ hợp tác kinh doanh, trong đó 1 đối tác sẽ cho đối tác còn lại sử dụng bản sao hệ thống kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công của mình, đổi lấy quyền lợi là phí cho phép sử dụng ban đầu và phí cho phép sử dụng liên quan trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực.
Nhượng quyền thương hiệu được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thời gian qua, thị trường nhượng quyền trong nước chứng kiến sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại và cả doanh nghiệp nội. Điều này đã và đang tạo ra sự sôi động trên thị trường Việt Nam.
Năm 1997 thương hiệu thức ăn nổi tiếng thế giới KFC lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, tiếp theo đó hàng loạt các tên tuổi đình đám khác như: Lotteria, biza Hurt… Những năm gần đây các thương hiệu lớn trên thế giới đổ bộ ngày càng nhiều vào Việt Nam như: Starbucks, McDonald’s… Cũng như tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam hầu hết các “gã khổng lồ” này đều chọn phát triển thông qua con đường nhượng quyền thương hiệu.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền đã giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền nâng cao giá trị thương hiệu, đặc biệt hơn là nâng tầm doanh nghiệp. Đây là cách huy động vốn và nhân lực rất thông minh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Doanh cũng cho rằng, không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền, mô hình này còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền mà sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các doanh nghiệp này đỡ tốn một khoản tiền khổng lồ để tạo dựng thương hiệu cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng.
Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc công ty Tư vấn Thương hiệu Mibrand, việc nhượng quyền thương hiệu giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn về sản phẩm. Bởi những thương hiệu lớn trước khi nhượng quyền vào Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng Việt biết đến. Khi “đổ bộ” vào rồi sẽ tạo ra sự tò mò và nhiều người muốn được trải nghiệm, sử dụng những thương hiệu như vậy.
Tăng cạnh tranh
Bên cạnh những giá trị mang lại, việc nhượng quyền của các thương hiệu lớn, có tên tuổi sẽ tạo áp lực lớn cho các thương hiệu của Việt Nam đang kinh doanh cùng một lĩnh vực. Các doanh nghiệp sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh trên thị trường và lượng khách hàng tiềm năng của họ có thể sẽ phải “san sẻ” cho đối tác.
Ông Lại Tiến Mạnh cho rằng, nhượng quyền thương hiệu sẽ tạo ra những áp lực nhất định, nhưng cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Đối với những doanh nghiệp cầu tiến, họ sẽ nhận ra đây là thời điểm để đầu tư thêm về mặt công nghệ, cơ sở vật chất, quy trình và nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động để cạnh tranh với những thương hiệu nhượng quyền trên thế giới. Áp lực cạnh tranh sẽ tạo ra áp lực thay đổi cho chính các doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay thì việc nhượng quyền thương hiệu diễn ra trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là điều tất yếu. Trong điều kiện chung như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các thương hiệu lớn trên thế giới. Để có thể trụ vững trên thương trường, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác là phải nâng mình lên, cải tiến về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm. Đồng thời tìm ra một phân khúc thị trường mà họ có thể đứng vững được, thị trường đó có thể ở nông thôn, có thể là một lĩnh vực kinh doanh mà thương hiệu kia, doanh nghiệp kia không với tới./.