Tăng cường kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ

13:35, 04/04/2018

Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đơn vị này sẽ tăng cường công tác kiểm soát nhập khẩu trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ được thực hiện thông qua việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ các dự án đầu tư và kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Đối với công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ các dự án đầu tư, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, từ 2011 đến nay, Bộ đã tham gia có ý kiến về công nghệ đối với 165 dự án đầu tư, trong đó có 74 dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực: Dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, sinh học đã chuyển giao các công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Từ năm 2010 - 2017, có 115 hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 02 hợp đồng chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Samsung thực hiện năm 2017 có tổng giá trị khoảng 323.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã dành một chương quy định về công tác này, trong đó bổ sung các quy định như: Mở rộng đối tượng dự án đầu tư cần phải thẩm định/có ý kiến về công nghệ trong từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; biện pháp quản lý đối với trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ đã được thẩm định; hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện; nội dung giải trình về công nghệ và nội dung thẩm định về công nghệ tương ứng với từng giai đoạn quyết định chủ trương và giai đoạn quyết định đầu tư dự án; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ để trình Chính phủ ban hành.

Đối với việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã xây dựng nội dung sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN và đang phối hợp với Bộ Công Thương đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Nội dung sửa đổi Thông tư tập trung vào việc: Quy định tiêu chí nhập khẩu chung là tuổi thiết bị không quá 10 năm, riêng đối với lĩnh vực cơ khí, tuổi không quá 20 năm. Đối với các ngành, lĩnh vực khác giao các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng tiêu chí và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với dự án đầu tư mới, đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài (chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc) sang Việt Nam, không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc, thiết bị mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng, hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài, trước khi đóng gói, nhập khẩu. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép nhập khẩu thiết bị đối với trường hợp đặc biệt (tuổi thiết bị vượt quá 10 năm)./.