Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và đang được thúc đẩy các bước tiếp theo để chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019. Cùng với sự cởi mở của hàng rào thuế quan được giảm thiểu, CPTPP cũng đi kèm các điều kiện, trong đó có những điều khoản quan trọng về lao động. Nói ngắn gọn là, nếu không cải thiện các vấn đề lao động được nêu trong Hiệp định, thì cơ hội xuất khẩu hàng hóa rất có thể chỉ là trên…giấy.
Những kịch bản cần được lường trước
Theo các chuyên gia, Hiệp định CPTPP không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Tới nay Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 Công ước của ILO về các vấn đề này và hệ thống pháp luật về lao động đã được sửa đổi tương đối hoàn chỉnh để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trong thực tế tiêu chuẩn và điều kiện lao động ở nước ta vẫn còn một số vấn đề chưa thật sự được cải thiện mạnh mẽ. Thí dụ như vấn đề sử dụng lao động trẻ em. Dù quy định không sử dụng lao động trẻ em nhưng thực tế còn một số doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận trong ngắn hạn nên thường sử dụng người lao động trẻ em dưới 18 tuổi, thậm chí là dưới 15 tuổi. Ðối với các đối tác thành viên của CPTPP, có các quy định về tiêu chuẩn lao động cao như Nhật Bản, bất kỳ sản phẩm nào họ nhập khẩu đều yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải khai báo thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, công nhân tham gia quy trình đó từ khâu kiểm soát đầu vào đến khâu kiểm tra đầu ra. Ở những nước này, các tổ chức công đoàn tạo ra các làn sóng phản đối sử dụng lao động trẻ em thông qua việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. "Ðiều này sẽ tạo ra áp lực và rủi ro cho các nhà nhập khẩu nếu liên quan đến lao động trẻ em", ông Nguyễn Duy Phương, giảng viên Trường đại học Lao động xã hội nhấn mạnh.
Như vậy, các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải báo cáo các thông tin cơ bản về thời gian làm việc, chế độ bảo hộ lao động và độ tuổi của công nhân ở nước sản xuất hàng hóa cho khách hàng. Nếu doanh nghiệp trong nước bị phát hiện có sử dụng lao động không đủ tiêu chuẩn sẽ có thể bị hủy đơn hàng. Ðồng thời với đó, Hội đồng Lao động nước nhập khẩu sẽ tiến hành tố tụng ở cấp quốc gia theo quy định tại Chương 27 và 28 của Hiệp định CPTPP về việc xử lý vi phạm các cam kết trong Hiệp định thông qua Ủy ban CPTPP. Ðiều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% từ các nước thành viên nếu không cải thiện các tiêu chuẩn này.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn lao động quốc tế trong CPTPP, những doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những xung đột pháp luật về quy định tiêu chuẩn lao động ở từng nước thành viên khi có hoạt động thương mại thực tế. Những nước có tiêu chuẩn cao về lao động có thể sẽ đưa ra các yêu cầu đáp ứng theo tiêu chuẩn của họ. Vì vậy nếu không nhanh chóng cải thiện, cơ hội xuất khẩu hàng hóa sẽ khó trở thành hiện thực.
Giải pháp để thích ứng
CPTPP sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Với nhiều kỳ vọng, CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy GDP của nước ta tăng thêm 1,1% tính đến năm 2030, theo báo cáo "Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp Việt Nam" do Ngân hàng thế giới (World Bank) thực hiện. Trong một số ngành cụ thể như dệt may, da giày…, CPTPP còn mang lại hy vọng lớn hơn.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt- May Việt Nam (Vitas), CPTPP là một hiệp định thương mại tự do quan trọng để các ngành hàng thúc đẩy xuất khẩu. "Thị trường Ô-xtrây-li-a là nơi mà dệt may hy vọng nhiều, bởi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới dừng ở 200 triệu USD/năm. Khi có CPTPP, kim ngạch 1 tỷ USD/năm sẽ không quá xa vời", ông Trường nhận định.
Ngành thủy sản cũng khả quan hơn khi các nước CPTPP hằng năm nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng thủy sản. Trong đó, Mê-xi-cô đã trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam từ năm 2017, với kim ngạch đạt gần 15 triệu USD, tăng 66% so với năm 2016.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng trước những tiêu chuẩn lao động theo Hiệp định mà ở thời điểm hiện tại có thể đáp ứng được, cùng với đó là một lộ trình cải thiện các tiêu chuẩn và điều kiện lao động trong chính doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp phải từ nhận thức đi tới hành động, việc đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về lao động liên quan đặc biệt đến loại bỏ lao động trẻ em, bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong thực thi pháp luật lao động… là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cách tốt nhất để đáp ứng xu hướng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về lao động của khách hàng thuộc các nước thành viên CPTPP và trên thế giới.
Tới thời điểm này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang chủ trì việc sửa đổi và bổ sung Luật Lao động để đáp ứng và thích nghi hơn với tình hình mới. Nhưng từ góc độ doanh nghiệp, nếu không coi đây là một vấn đề trọng tâm cần được đầu tư, tuân thủ các quy định quốc tế thì sẽ khó có thể mở cánh cửa CPTPP và biến tiềm năng xuất khẩu thành hiện thực.