Kỳ vọng đột phá từ các đặc khu

07:44, 23/05/2018

Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ tư (tháng 10-2017). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự án Luật đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều quy định mới cả về mô hình tổ chức chính quyền địa phương lẫn chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư hiệu quả. Dự án Luật Đặc khu sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong kỳ họp thứ năm này.

Bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Trong Dự thảo mới nhất của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thiết chế trưởng đặc khu đã bị loại bỏ. Thay vào đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu đã được chỉnh lý, bảo đảm phù hợp quy định của Hiến pháp, kết luận của hội nghị T.Ư 11 cũng như ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cụ thể, dự thảo đề xuất bộ máy bao gồm một HĐND đặc khu với không quá 15 đại biểu, UBND đặc khu với một chủ tịch và hai phó chủ tịch, cùng nhiều đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Như vậy, dù vẫn giữ HĐND và UBND cấp huyện, nhưng mô hình bộ máy ở đặc khu kỳ vọng sẽ được thiết kế đặc thù, đồng thời trao quyền tự quyết nhiều hơn cho vị trí Chủ tịch UBND nhằm tạo thông thoáng cho các chính sách. Vụ trưởng Quản lý các khu kinh tế Trần Duy Đông (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Theo tính toán, Chủ tịch đặc khu được phân quyền mạnh với 70 thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, giúp nâng cao vai trò của vị trí này trong việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định, Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình đặc khu như vậy là rất gọn nhẹ. Quan trọng nhất là thẩm quyền do luật định cho chính quyền địa phương ở đặc khu đã được phân cấp mạnh. Các quy định của dự thảo cũng đã phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, kiểm soát quyền lực. Theo TS Liu Rông-xin, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển Trung Quốc, từ kinh nghiệm xây dựng đặc khu của Trung Quốc thì điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý đặc khu kinh tế là sự kết hợp giữa Chính phủ và thị trường, trong đó vai trò chủ đạo của Chính phủ và cơ chế thị trường phải được phát huy. Tuy nhiên, nếu Chính phủ can thiệp quá sâu sẽ mất đi tính điều tiết của thị trường. Do tính chất phức tạp như vậy của cơ chế quản lý đặc khu kinh tế, cho nên vấn đề lập pháp ở cấp quốc gia không nên quá chi tiết mà có thể bổ sung các quy định hỗ trợ chi tiết khi thực hiện, nhằm điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu phát sinh trong quá trình vận hành.

Nhiều ưu đãi vượt trội

Nói về những chính sách ưu đãi được quy định trong Dự thảo Luật mới nhất, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết: Việt Nam đang đi sau các nước khác trong việc thành lập đặc khu cho nên phải có những ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quan điểm khi xây dựng đặc khu là phải có những cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội so với trong nước, cạnh tranh được với quốc tế. Tuy nhiên, không phải như vậy là chúng ta đưa tất cả các ưu đãi đều cao hơn so hiện hành mà sẽ tập trung vào trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, Dự thảo Luật đã quy định một loạt chính sách ưu đãi đặc biệt, đó là miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng từ 5 đến 10 năm đầu; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 10% trong 15 năm đầu; miễn thuế thuê đất, thuê mặt nước có thời hạn và nhiều ưu đãi khác;… Dự thảo còn đặc biệt chú trọng đến việc tạo thuận lợi trong môi trường kinh doanh, như giảm các điều kiện kinh doanh còn một nửa so quy định hiện hành (từ 243 xuống còn 131); quy định thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi cao nhất theo cơ chế một cửa liên thông và hệ thống mạng trực tuyến, rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký chứng nhận đầu tư xuống còn 15 ngày, thậm chí chỉ còn từ 5 đến 12 ngày đối với các dự án đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Góp ý kiến về Dự thảo Luật này, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Z. Ếch-các chia sẻ: Dù các đặc khu được thiết kế và triển khai tốt, đem lại lợi ích rõ ràng, nhưng vẫn có rủi ro gắn liền với việc phân mảnh trong môi trường pháp quy, lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi cũng như quản trị các đặc khu kinh tế. Do đó, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển mới, trong đó việc kết nối, hợp tác cùng phát triển là xu thế tất yếu. Khi được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển ba đặc khu, tạo sự tác động lan tỏa, tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam.