Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng...
Tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, sáng 26/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo Quốc hội một số nội dung về phát triển xuất khẩu, thị trường; vấn đề giải cứu nông sản; công nghiệp hỗ trợ và các dự án kém hiệu quả.
Năm 2020 xử lý dứt điểm 12 dự án yếu kém
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo bổ sung 3 nội dung:
Thứ nhất, về phát triển xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới; 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD... Để đảm bảo được áp lực của sản xuất và nền kinh tế Việt Nam, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chiến lược tham gia hội nhập quốc tế của Việt Nam rất đúng định hướng và kịp thời. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và một loạt đối tác song phương, đa phương đã cơ bản tại được thị trường đảm bảo năng lực sản xuất đang ngày càng gia tăng của Việt Nam. Chất lượng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu cũng ngày càng được cải thiện cùng với những phát triển về thương hiệu và sự tham gia vào chuỗi cung cầu thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc phát triển chưa bền vững do chất lượng sản phẩm chưa có sự đồng nhất, ổn định. Đây là trở ngại rất lớn để thị trường Việt Nam xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi; đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, tập quán thương mại quốc tế về truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến là sự phụ thuộc vào thị trường trọng yếu, đặc biệt là một số thị trường phát triển nóng như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu. Trong việc tháo dỡ các rào cản, cần gia tăng năng lực sản xuất, đảm bảo được các điều kiện thị trường, giảm thiểu các hàng rào quan thuế. Có được những điều này nhưng nếu không đảm bảo được chất lượng, vượt qua được hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật thực vật thì chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ bị khống chế, dẫn đến khó đảm bảo được phát triển bền vững về thị trường này.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần nhìn nhận thực tế có sự yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ ngành đối với việc nghiên cứu, theo dõi, phân tích đánh giá về tín hiệu thị trường nhằm gắn kết hơn nữa giữa thị trường với lực lượng sản xuất trong nước.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải tạo ra được sự thay đổi lớn, trong đó có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất để tổ chức theo chuỗi đó; đồng thời thay đổi mô hình, cơ chế chính sách nhằm thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào các khâu sản xuất, chế biến, phân phối với chuỗi cung ứng của trong nước, khu vực và thế giới.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ trưởng khẳng định đây là một trong những động lực tăng trưởng, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những yếu tố tích cực, vai trò của công nghiệp hỗ trợ còn một số tồn tại, hạn chế. Hiện trên cả nước mới có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 0,32% tham gia công nghiệp chế biến chế tạo. Với đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về năng lực, công nghệ; quy mô doanh nghiệp ở mức siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận ngành công nghiệp hỗ trợ của khu vực và thế giới còn rất hạn chế.
Cùng với đó, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa đang gây ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khai thác những cơ hội của hội nhập để tiếp cận với công nghệ và thị trường thế giới; hỗ trợ tham gia vào các chuỗi cung ứng, trong đó có vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tại các chuỗi cung ứng ở trong nước, khu vực và thế giới; có biện pháp hỗ trợ cụ thể để các doanh nghiệp tham gia các cơ chế thí điểm tại các thị trường năng lượng, cơ khí chế tạo…; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đó là nguồn lực cơ bản thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản, đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự... Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện với sự tham gia của tất cả các bộ ngành tới các cấp. Với tinh thần không cấp thêm vốn Nhà nước cho việc xử lý các dự án này, đến nay, trong số 6 dự án dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thua lỗ, đã có 2 dự án đã hoạt động trở lại và có lãi mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn, đó là Nhà máy phân bón DAP Hải Phòng, Nhà máy thép Việt Trung.
Đối với ba dự án: PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi và Ethanol Bình Phước thì nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã hoạt động trở lại, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đối tác nước ngoài. Hiện đã có 1 dây chuyền hoạt động, sắp tới sẽ có 3 dây chuyền hoạt động. Bốn dự án: Nhà máy phân đạm Ninh Bình, Đạm Hà bắc, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất đang tiếp tục được khắc phục. Tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã rút được khoảng 1.000 tỷ đồng vốn Nhà nước ra khỏi dự án này, đang làm quy trình pháp lý thoái toàn bộ vốn ra khỏi hai nhà máy: gang thép Thái Nguyên và Tisco để đảm bảo nguồn vốn nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới giải quyết tồn đọng với các nhà thầu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thực hiện các giải pháp này mới chỉ ở khía cạnh kinh tế thương mại và hiệu quả của dự án, Bộ trưởng khẳng định, vấn đề rất quan trọng là việc xử lý các sai phạm của các cá nhân và tổ chức. Đến nay, về cơ bản cả 12 dự án này đều đã được các cơ quan chức năng gồm: Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Bộ Công Thương, Thanh tra Bộ Tài chính lần lượt tiến hành các hoạt động điều tra, cơ bản bước đầu đã chỉ rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau, những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, cố ý làm trái thì đã có xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức.
Đề nghị đình chỉ những cán bộ “hành” dân, “hành” doanh nghiệp
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, 3 yếu tố nền tảng tạo sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo chính là: Trách nhiệm của Chính phủ, kết quả tăng trưởng kinh tế và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ tán thành với phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm 2018 là: “Kỷ cương- Liêm chính- Hành động- Sáng tạo- Hiệu quả”, trong đó, kỷ cương được đặt lên hàng đầu. Theo đại biểu, điều này hoàn toàn phù hợp, vì hành pháp “gánh” quyền lực mạnh, đa nhiệm, đa năng, nếu không có nền kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”... Nhấn mạnh điều này, đại biểu mong muốn và đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện phương châm hành động và luôn kiểm soát bộ máy hành chính bằng “10 chữ vàng” đã đề ra vì đó là triết lý của hành động, nền tảng của thành công. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào xây dựng hạ tầng kết nối như sân bay, bến cảng, đường sá... Cùng với đó là xây dựng thương hiệu Việt thông qua xây dựng một nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất kinh doanh có đạo đức.
Nhận định việc thời gian dài đi sâu, sát cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã đem đến sự động viên rất lớn đối với nông dân, công nhân, các nhà khoa học và nhiều người dân, song đại biểu đề nghị thời gian tới, Thủ tướng quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo chính sách, rà soát việc thực hiện của cấp dưới; truy trách nhiệm cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng ủng hộ cao việc Thủ tướng kiên quyết xử lý các cán bộ dưới quyền, trước hết, có thể đình chỉ những cán bộ “hành” dân, “hành” doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí, nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước, bằng giả, thăng tiến thần tốc, nâng đỡ “không trong sáng”, xử lý các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”... “Nhân dân rất mong chờ sớm có sự chuyển biến trong vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai giải quyết chính sách cho người di cư tự do trong nước và biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia. Đối với tình hình di cư trong nước, đại biểu cho biết, bà con dân tộc thiểu số vì kế sinh nhai nên từ miền Bắc di cư vào Tây Nguyên, phá rừng làm nương rẫy, bà con không phải lâm tặc. Hiện tại, bà con không có giấy tờ tùy thân, chế độ chính sách, không được học hành... đề nghị Quốc hội, Nhà nước có chính sách để “đồng bào đỡ tủi thân”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, hiện đất nước có 53,7 triệu lao động đang làm việc nhưng 70% lại đang làm việc trong khu vực phi kết cấu (tức là khu vực không có quan hệ lao động, dễ rủi ro cho người lao động). Trong khi đó, tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 - 3/4 lao động; tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ chiếm 7,5%, số sinh viên ra trường không tìm được việc làm khá lớn...
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề cập tới chủ trương cải cách tiền lương và cải cách bảo hiểm xã hội vừa được Trung ương thông qua. Theo đại biểu, hiện có một nghịch lý là tốc độ tăng tiền lương bình quân tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Trong khi năng suất lao động tăng 4,4%, nhưng tiền lương trong khu vực công tăng 8% và khu vực khác tăng hơn 12%.
Nhận định “lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết”, đại biểu kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề: Một là, phải tập trung các giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động, bao gồm cả lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, bản thân lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân để "đi trước đón đầu" Cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là, chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành lao động năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao. Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động, gồm đầu tư cho công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo dạy nghề và quản trị doanh nghiệp...
Đại biểu cho rằng, bảo hiểm y tế hiện đạt 86% dân số nhưng điều “đáng suy nghĩ” là trong số này có đến 70% là từ ngân sách nhà nước; trong quỹ bảo hiểm y tế thì có đến 44% là từ ngân sách, nên ảnh hưởng đến việc mất cân đối của quỹ này. Đại biểu đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước theo hướng nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội... Đồng thời, có giải pháp thực hiện hiệu quả để nhà ở cho người dân thực sự trở thành một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng, điểm nhấn quan trọng của năm 2017 là Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10 xác định tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ cũng có các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường kinh doanh… Tuy nhiên đại biểu nhận định, hiện nay, kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục được ví như đội quân “thuyền thủng” gặp gió sẽ khó trụ được; với gánh nặng về chi phí thủ tục cùng với mô hình nhỏ lẻ, năng lực quản trị yếu thì “căn bệnh kinh niên khó có thể chữa”.
Đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc cải cách mạnh mẽ về hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các giấy phép “con, cháu”. Đại biểu cho hay, chỉ tính các chi phí thực hiện 5.917 điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành, mỗi năm doanh nghiệp đã phải bỏ ra hơn 28,6 triệu ngày công với chi phí 4.300 tỷ đồng. Do vậy, theo đại biểu, cần sớm hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, cải cách tài chính công như cách làm của Singapore thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện; đồng thời quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng, “đoạn tuyệt” hoàn toàn sự phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần có cuộc khảo sát, đánh giá đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động Việt Nam hiện nay, xem xét điểm yếu, từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách giải pháp để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu…
Trong 3 buổi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước có 60 đại biểu phát biểu, 13 đại biểu tranh luận, 21 đại biểu đã đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên chưa được phát biểu. Trong quá trình đại biểu Quốc hội thảo luận, các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương; Tài chính đã phát biểu giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí các phiên thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, bao quát trên các lĩnh vực, từ: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và tư pháp... Đa số đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý các tồn tại, hạn chế đã được các đại biểu đề cập trong một ngày rưỡi thảo luận như: Tăng trưởng kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc, mô hình tăng trưởng chưa rõ nét, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài và khu vực FDI; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương có phần bị hạn chế; số nợ xấu vẫn còn lớn, thị trường chứng khoán có khởi sắc song cần tránh những rủi ro tiềm ẩn; thị trường bất động sản đang có biểu hiện nóng lên và có thể tác động trái chiều đến nền kinh tế; môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản chưa được tháo gỡ; cải cách hành chính chưa thật triệt để, còn tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo; công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo; việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nhất là giao kế hoạch đầu tư công…
Những tồn tại hạn chế nêu do nhiều nguyên nhân, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan từ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và một nguyên nhân rất quan trọng là mô hình tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, chưa chuyển mạnh sang chiều sâu gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý còn nhiều vấn đề đại biểu yêu cầu cần được tiếp tục giải quyết như: Sức khỏe của người dân, chất lượng nguồn nhân lực, tình trạng quá tải bệnh viện, dịch vụ khám chữa bệnh, vấn đề thuốc giả, thuốc kém chất lượng; về cải cách giáo dục, tình trạng ứng xử của giáo viên, của học sinh, của phụ huynh, về vấn nạn bạo lực học đường, vấn đề lao động và việc làm của học sinh, sinh viên mới ra trường; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; công tác xóa đói, giảm nghèo; điều kiện sinh hoạt, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp; tình trạng ô nhiễm nước thải, rác thải; tình trạng cháy rừng, buôn lậu gỗ, khai thác cát lậu, tình trạng sạt lở, tình trạng phân bón giả còn diễn biến phức tạp…
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 như báo cáo của Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo chính sách cho người có công; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ cương hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung xử lý những việc gây bức xúc trong xã hội, nhất là xử lý các vụ án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp, phản ánh đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.