Mặc dù hiện nay các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm chính là rất ít coi trọng và kịp thời cập nhật thông tin thị trường. Điều này vừa khiến doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội xuất khẩu, từ đó làm giảm tốc độ cũng như kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường toàn cầu.
Bị động trong tiêu thụ
Là người có kinh nghiệm 20 năm làm công tác phân tích thị trường cho doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cho biết, để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam, rất cần phải có các giải pháp nghiên cứu thị trường. Trong đó, thông tin thị trường luôn phải được theo dõi, cập nhật cho người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
“Có một thực tế đáng buồn hiện nay là cả người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu đều ít quan tâm tới tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, nhất là hàng hóa xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Một phần do từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu xuất nông sản thô qua đường tiểu ngạch, không bị xét giấy tờ dẫn đến hiện nay, nhiều nông sản Việt bị một số thị trường xuất khẩu cảnh báo”, bà Hạnh nói.
Bày tỏ quan ngại khi đánh giá về khả năng xuất khẩu của hàng hóa nông sản Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, bình thường khi muốn bán bất cứ hàng hóa gì, người bán cần đưa hàng ra chợ. Trong giai đoạn hiện nay, “chợ” nông sản lớn nhất thế giới vẫn là thị trường Trung Quốc, nhưng tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam thường không có gian hàng.
“Có đến 70% nông sản Việt Nam vẫn đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái Trung Quốc đều hiểu rất rõ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Họ biết mùa nào nên thu mua sản phẩm gì, ở đâu nên từ đó tạo ra cho người nông dân tâm lý trông chờ thương lái trong thu mua, xuất khẩu nông sản. Điều này khiến chất lượng cũng như thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam không tăng trưởng như kỳ vọng”, bà Thực cho biết.
Quan trọng là thông tin thị trường
Chỉ rõ điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay, đó là việc lặp đi lặp lại tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất giá khiến toàn xã hội phải tập trung giải cứu nông sản hàng năm, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network nêu rõ, câu chuyện giải cứu nông sản đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam.
“Nếu để đề xuất một giải pháp, cần phải làm mọi cách để đưa công nghệ vào nông nghiệp. Chúng ta có đủ các điều kiện về địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, con người… nếu nông nghiệp Việt Nam ứng dụng được công nghệ tốt thì sẽ giải quyết được bài toán tiêu thụ”, ông Ca nhận định.
Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song nhiều chuyên gia cũng thừa nhận, vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp hiện nay vẫn là quy trình sản xuất đơn thuần, chưa chú trọng vào khâu chế biến. Bên cạnh đó, tính liên kết sản phẩm còn yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý, ngành nông nghiệp nếu cứ chỉ tập trung vào sản xuất, bỏ qua khâu chế biến sẽ không thể có sản lượng tiêu thụ tốt, nhất là khi còn những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào cũng như các doanh nghiệp chưa tổ chức tốt được thị trường tiêu thụ trong nước.
“Một điểm yếu còn tồn tại của nông nghiệp Việt Nam là tính liên kết sản phẩm, liên kết yếu dẫn đến những bất cập của toàn ngành nông nghiệp hiện nay, và đây là vấn đề chúng ta cần phải xử lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Để làm tốt công tác nắm bắt thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard - Bộ NN&PTNT) phân tích, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu nằm trong “top” tỷ USD. Tất cả các cây trồng nhiệt đới, con nuôi nhiệt đới nào có thị trường đều được nông dân, doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sản xuất tốt.
Mặc dù vậy, để tăng cường tiêu thụ, thúc đẩy thương mại hàng hóa nông sản trong xu thế hiện nay, quan trọng nhất vẫn là thông tin thị trường. TS. Đặng Kim Sơn chỉ rõ, hiện nay, cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đều không có cơ quan phân tích thông tin thị trường.
“Nếu coi nông nghiệp là “mặt trận” mũi nhọn, trước mắt phải thành lập cơ quan thông tin thị trường. Cơ quan này không cần trực thuộc Chính phủ, Bộ hay ngành nào mà nên hình thành theo hình thức hợp tác công tư”, TS. Đặng Kim Sơn nêu giải pháp./.